1. Đừng cầu toàn
Lời khuyên dành cho những ai đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi sử dụng một kênh bán hàng mới là đừng chờ đợi mọi thứ rõ ràng mới bắt đầu, bởi vì lúc ấy bạn đã chậm chân do có rất nhiều người đã nhận ra điều đó. Sẽ không có cơ hội tốt hơn cho bạn nếu bạn cầu toàn và chờ mọi thứ hoàn thiện sẵn sàng.
Một trong những triết lý kinh doanh của tỷ phú Jack Ma là "chưa rõ ràng mới là cơ hội thực sự", chứ đợi đến khi rõ ràng, cơ hội sẽ hẹp đi rất nhiều. Nokia là một ví dụ điển hình, việc chú tâm đi theo hướng của riêng mình mà không nhìn thấy tiềm năng của điện thoại cảm ứng thông minh khiến tên tuổi thương hiệu một thời lừng lẫy trong làng di động này đã bị thay thế trên thị trường.
2. Xuất phát nhanh, tinh chỉnh liên tục
Bán hàng thông qua nhiều kênh cần bắt đầu kịp thời, nhanh nhạy khi thấy cơ hội, đồng thời trong quá trình ứng dụng cũng phải điều chỉnh cho hợp lý bởi internet hay thương mại điện tử (TMĐT) luôn đổi mới, cập nhật liên tục. Hai hành động này phải đi đôi với nhau, xuất phát nhanh không có nghĩa là hấp tấp, vội vàng mà theo sau đó phải là quá trình tìm hiểu, điều chỉnh cho phù hợp và sau cùng cần đánh giá đúng hiệu quả của từng kênh bởi không phải kênh nào cũng phù hợp với lĩnh vực kinh doanh hay doanh nghiệp (DN) của bạn.
3. Chớ ôm đồm
Hiện tại, một DN, cửa hàng có 6 kênh bán hàng được đánh giá mang lại hiệu quả, gồm: POS (cửa hàng truyền thống), website, mạng xã hội, sàn TMĐT, ứng dụng điện thoại, tiếp thị liên kết (mạng lưới cộng tác viên hoặc website khác).
Không nhất thiết phải làm tốt tất cả các kênh này, điều cần thiết và "dễ ăn" hơn là làm tốt 1 - 2 kênh chủ đạo, sau đó phát triển dần các kênh khác. Các chủ cửa hàng cần chọn lọc và hiểu rõ rằng tham lam, ôm đồm chỉ khiến quá trình kinh doanh trở nên rối ren và khó tập trung nguồn lực để tận dụng tối đa hiệu quả của các kênh bán hàng mà thôi.
4. Xử lý đơn hàng tập trung
Đây là quy trình quan trọng cần được tối giản để tiết kiệm công sức, nguồn lực trong vận hành kinh doanh. DN đã hướng tới xu thế bán hàng thông qua nhiều kênh nhưng chưa thực sự gọi là bán hàng đa kênh. Mỗi kênh sử dụng nền tảng riêng, hệ thống quản lý riêng nên cần quy trình và nhân sự phụ trách riêng.
Với nguồn lực hạn chế, làm một kênh còn chưa tốt thì làm nhiều kênh chắc chắn hỏng. Chính vì vậy, DN cần một hệ thống tích hợp tất cả các kênh bán hàng về một nền tảng thống nhất, quản lý tập trung. Nơi đó, DN chỉ cần thực hiện một quy trình duy nhất nhưng lại có thể bán hàng trên nhiều kênh. Đó là cách tiết kiệm nhân lực cũng như nguồn lực nhưng vẫn phát triển đa kênh hiệu quả.
Đây cũng là lý do và động lực dành cho các đơn vị cung cấp website để tạo ra một nền tảng mà ở đó tất cả các kênh bán hàng sẽ được tích hợp và quản lý tập trung một cách nhanh chóng nhất có thể, mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cũng như chi phí cho người kinh doanh.
Khi đó, các chủ cửa hàng có thể bán hàng trên các kênh khác nhau như website, Facebook, Zalo, Sendo, Lazada..., và các đơn hàng hay liên hệ của khách hàng từ các kênh này sẽ được tự động tích hợp và cập nhật về một khu quản trị chung để chủ cửa hàng dễ dàng quản lý, xử lý đơn hàng và kết nối vận chuyển.
5. Hãy để người chuyên nghiệp lo
Công nghệ là yếu tố không thể thiếu nhằm "tăng tốc" cho công việc kinh doanh trong xu thế TMĐT phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, để đầu tư một hệ thống bài bản, hoàn chỉnh thì DN cần phải đầu tư rất nhiều tiền mà chưa chắc đã chuyên tâm làm tốt.
Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu DN "trưng cầu" về công nghệ tại những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp, nơi đã có nhiều kinh nghiệm và sở hữu nhiều khách hàng bởi họ có khả năng làm tốt hơn cho DN so với việc DN "tự cung tự cấp" và phải lo quá nhiều thứ, đặc biệt đối với các DN nhỏ. Trong lĩnh vực TMĐT, kỹ thuật là điều kiện cần, chiến lược mới là điều kiện đủ. Công nghệ đặc biệt quan trọng nhưng DN nên để người chuyên nghiệp lo.