Báo Đầu tư có loạt bài "Vì sao dự án 140 triệu USD tại Long An “ngã ngựa”, phản ánh, từ năm 2007, Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát, tỉnh Long An) và Công ty China Policy Limited. (CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) ký thoả thuận đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa trên diện tích 500 ha, với vốn đầu tư 140 triệu USD. Dự án được xác định là trọng điểm của tỉnh Long An khi ấy, nhưng đã kéo dài tới 12 năm, đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh pháp lý.
Nguyên nhân, theo Thỏa thuận khung, CPL ứng trước cho Công ty Hồng Phát 15,6 triệu USD để dùng vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn I của Dự án và được tính vào vốn góp khi hoàn tất việc thành lập công ty liên doanh.
Ngay sau khi ký, trong tháng 7/2007, CPL đã chuyển 15,6 triệu USD và Công ty Hồng Phát đã lập tức thực hiện theo thỏa thuận chi trả tiền đền bù thông qua Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất Long An. Nhưng, năm 2008, quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân đã phát sinh chi phí xây dựng khu tái định cư, Hồng Phát đề nghị CPL bổ sung 20 triệu USD ngoài Thỏa thuận khung, nên CPL không đồng ý, mà khẳng định số tiền 15,6 triệu USD nói trên đã đầu tư vào dự án, nên phải được "chia phần".
Mới đây ngày 9/3/2021, đại diện 5 bộ, ngành trung ương gồm: Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh Long An và sở, ngành liên quan đã làm việc với 2 bên để tìm cách giải quyết vướng mắc.
Tại cuộc họp, phía Công ty Hồng Phát cho rằng, việc CPL đòi chia tách 130 ha trong tổng diện tích dự án của Hồng Phát hơn 270 ha của giai đoạn 1, để CPL tự đầu tư dự án với tên gọi "Saigon Beverly Hills" là vi phạm phán quyết của trọng tài, vì điều này không có trong nội dung phán quyết. Đồng thời, yêu cầu này cũng không đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nên Công ty Hồng Phát không chấp nhận.
Việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ra quyết định phong tỏa giao dịch 13 sổ đỏ của dự án là không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty Hồng Phát.
Bà Thái Thị Hồng Hậu , Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát cho hay, doanh nghiệp đã tốn kém hơn 1.000 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, nhằm duy trì dự án hơn 14 năm qua. Nay, dự án muốn tiếp tục phát triển, nhưng vì tranh chấp, nên toàn bộ 13 sổ đang bị phong toả, không thể giao dịch, vay vốn ngân hàng. Không thể chỉ vì mắc có 15,6 triệu USD của CPL, mà đình trệ toàn bộ dự án trị giá hàng trăm triệu USD.
Bà Hậu cũng yêu cầu phía CPL cần phải sớm trả lời, vì sao suốt nhiều năm, CPL vẫn không tuân thủ đăng ký đầu tư theo đúng quy định của luật pháp đầu tư Việt Nam?
Đại diện cho CPL là ông Tong Kwok Lun cho rằng, phía Công ty Hồng Phát chưa cung cấp hồ sơ hợp lệ và chi phí hợp lý, đưa ra những điều kiện không có trong thỏa thuận khung, nên CPL không đồng ý yêu cầu của Hồng Phát.
Trước quan điểm các bên, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, ghi nhận ý kiến 2 bên và các ban, ngành tham dự cuộc họp và sẽ tổng hợp toàn bộ quá trình tổ chức thi hành phán quyết trọng tài để tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp bộ, ngành có liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.