Bài 2: Đối tác ngoại đòi “cưa” dự án
Mổ xẻ từng chứng cứ, lý lẽ của các bên suốt hơn 10 năm qua, theo quy định pháp luật về đầu tư, lý lẽ của Công ty CPL yếu hơn hẳn so với đối tác là Công ty Hồng Phát. Giải pháp để xử lý tranh chấp của CPL đưa ra cũng bất hợp lý.
CPL đề xuất giải pháp trái luật
Giải quyết tranh chấp hơn 10 năm, tại nhiều cuộc họp với cơ quan chức năng, Công ty Hồng Phát đề xuất nhiều giải pháp như kiểm toán, thẩm tra năng lực tài chính để tiến hành đàm phán liên doanh, chưa hề có ngôn từ nào đề nghị dừng hay chia tách dự án. Đa phần đại diện sở, ngành của tỉnh Long An và bộ, ngành liên quan đồng tình tiếp tục liên doanh, chỉ cần 2 bên thống nhất giải pháp.
Trong khi chưa đạt được thỏa thuận liên doanh, Công ty CPL lại đề xuất hướng xử lý trái luật.
Cụ thể, tháng 8/2019, CPL gửi đơn tới nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất, để giải quyết tranh chấp hơn 10 năm thì chia tách dự án, cho CPL được đầu tư diện tích 130 ha trích ra từ tổng 232 ha đã được UBND tỉnh Long An duyệt cho Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư.
CPL lý giải, nhờ có khoản tiền 15,6 triệu USD, tương đương 344 tỷ đồng của CPL, mà Công ty Hồng Phát có được sổ đỏ đất dự án với diện tích 232 ha, có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Việc CPL chỉ đề xuất được giao 130 ha, bằng 56% tổng diện tích là ít hơn nhiều so với đóng góp của CPL, nhưng vì thiện chí, tránh xung đột kéo dài, CPL vẫn đề xuất như trên.
Tại nhiều cuộc họp, mới nhất là ngày 13/11/2019 với chính quyền tỉnh Long An cùng đại diện bộ, ngành chức năng, ông Tong Kwok Lun, đại diện CPL đề nghị chính quyền dừng Dự án mà Công ty Hồng Phát đang triển khai vì “Hồng Phát tiếp tục Dự án, thì việc đàm phán gặp khó khăn”.
Ông Tong Kwok Lun cũng đề xuất chia tách Dự án và cho rằng đây là một trong những giải pháp tốt nhất cho Dự án tại thời điểm này.
Phản ứng quyết liệt trước ý định đòi “chia phần” 130 ha đất từ Dự án, bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Phát nói: “Hồng Phát đã chấp hành nghiêm túc quyết định của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An. Phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chỉ tuyên thực hiện Thoả thuận khung, không tuyên tài sản, chính CPL không thực hiện phán quyết của VIAC bằng đề nghị chia tách Dự án”.
Mặt khác, đại diện Công ty Hồng Phát cũng khẳng định, quyết định phong toả 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Công ty đang đứng tên tại 232 ha đất Dự án, có yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, vì vậy, không thể chia tách Dự án.
Tại cuộc họp này, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, việc CPL đề nghị được tách diện tích 130 ha đất là không thể, vì về mặt pháp lý, chủ đầu tư của Dự án là Công ty Hồng Phát. Chỉ chia tách nhưng trên cơ sở pháp luật trong trường hợp 2 bên tự nguyện, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính.
Trước đó, tại cuộc họp với các bên ngày 24/10/2019, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự cũng khẳng định: “Việc tách Dự án chỉ khi Hồng Phát chủ động và có sự thỏa thuận thống nhất giữa 2 công ty”. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của các sở, ban, ngành tỉnh Long An.
Chưa đủ cơ sở là chủ đầu tư
Không chỉ giải pháp xử lý chưa ổn, tiếp tục xem xét chứng lý cả 2 bên, thì CPL có những hạn chế không nhỏ trong việc đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư, góp vốn.
Cụ thể, tại cuộc họp ngày 11/10/2019 với cơ quan chức năng tỉnh Long An, theo phản ánh của Công ty Hồng Phát và CPL không phủ nhận, thì UBND tỉnh Long An cấp phép cho Hồng Phát là chủ đầu tư Dự án. Tuy nhiên, chỉ 20 ngày sau khi ký Thỏa thuận khung, từ năm 2007, CPL đã tự đưa lên sàn chứng khoán Hồng Kông, quảng cáo là “chủ đầu tư Dự án Saigon Beverly Hill” ở Việt Nam.
Trong khi đó, theo Văn bản số 2463/BKHĐT-PC, ngày 17/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan tính pháp lý của số tiền 15,6 triệu USD mà CPL góp với Công ty Hồng Phát, thì thời điểm giao nhận ký kết (năm 2007) áp dụng theo Luật Đầu tư 2005.
“Trong thời gian Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực thi hành, việc tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam cho đối tác Việt Nam để hợp tác. Số vốn đó sử dụng cho các hoạt động đầu tư của dự án, mà chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, hoặc thẩm tra để cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì chưa có cơ sở để xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào dự án, với tư cách là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam”, Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Theo đó, ở thời điểm trên, CPL chưa thực hiện đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cần chứng minh năng lực tài chính cụ thể
Một trong những mấu chốt quan trọng dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 nhà đầu tư là việc Công ty Hồng Phát yêu cầu Công ty CPL chứng minh năng lực tài chính làm điều kiện đàm phán lập liên doanh.
Liên quan vấn đề này, tại buổi họp ngày 9/5/2018 giữa 2 bên với sự tham dự của đại diện Bộ Tư pháp, VIAC, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng chính quyền tỉnh Long An, ông Lương Văn Trung, đại diện CPL cho rằng, CPL đã chuyển cho Hồng Phát 15,6 triệu USD khi vốn điều lệ của Hồng Phát chỉ có 10 tỷ đồng. Điều đó đã phần nào chứng minh khả năng tài chính của CPL. Nếu không có khoản đầu tư của CPL thì Hồng Phát đã không thể có được quyền thực hiện Dự án, cũng như quyền sử dụng đất giai đoạn I của Dự án.
Nói cách khác, số tiền 15,6 triệu USD của CPL có tính quyết định hình thành tài sản (đất dự án) hơn 1.000 tỷ đồng hiện nay.
Nhưng ngay tại cuộc họp, bà Trần Thị Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát công bố, Hồng Phát đã thực hiện phát triển Dự án tới thời điểm này là hơn 1.000 tỷ đồng, nếu không tiếp tục thì Dự án sẽ bị thu hồi. Ông Trần Văn Cần cũng xác nhận, Công ty Hồng Phát đã ký quỹ 210 tỷ đồng để chứng minh năng lực.
Chính CPL tại nhiều văn bản giao dịch giữa 2 bên và tại các cuộc họp gần đây với cơ quan chức năng cũng phải thừa nhận nỗ lực duy trì phát triển Dự án của Công ty Hồng Phát để có được giá trị đất hơn 1.000 tỷ đồng như hiện nay.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Nếu không có sự đầu tư để duy trì Dự án của Công ty Hồng Phát thì cũng không có đối tượng Dự án để các bên đi đến liên doanh”.
So với tổng vốn đầu tư Dự án lên tới 140 triệu USD, thì số tiền 15,6 triệu USD của CPL, hay khoản tiền đã chi của Hồng Phát chưa thấm vào đâu. Vì vậy, thay vì “hứa”, theo luật sư Phan Trung Hoài thì việc chứng minh tài chính cụ thể là cần thiết để 2 bên tiến hành đàm phán liên doanh.
CPL “dọa” sẽ có tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước
CPL đã gửi Thư kiến nghị tới Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) với nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là CPL kiến nghị sẽ có tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước Việt Nam. Nội dung này cũng được CPL đưa ra ở một số buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Long An.
Ngày 14/11/2018, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc và đại diện theo ủy quyền của CPL theo chính đề nghị của công ty này liên quan tới Thư kiến nghị.
Tại buổi làm việc, Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định, theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan thì việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, kể cả cơ quan thi hành án dân sự không thể làm thay. Quá trình thực hiện phán quyết trọng tài, quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án đã nhiều lần tạo điều kiện cho các bên thành lập công ty liên doanh, nhưng đến nay vẫn không lập được. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để kê biên đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ khi các bên đã thành lập liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp vốn vào liên doanh thì cơ quan thi hành án dân sự mới cưỡng chế theo luật.
(Còn tiếp)