Vì sao dự án 140 triệu USD tại Long An “ngã ngựa”? - Bài 3: Phải quyết liệt với dự án “rùa”

Năm 2007, Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát, tỉnh Long An) và Công ty China Policy Limited (CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) ký thoả thuận đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa trên diện tích 500 ha, với vốn đầu tư 140 triệu USD. Dự án được xác định là trọng điểm của tỉnh Long An khi ấy, nhưng đã kéo dài tới 12 năm, đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh pháp lý.
Dự án đã hơn 10 năm không triển khai, nếu cứ tiếp tục như vậy cần phải thu hồi để khỏi lãng phí đất. Dự án đã hơn 10 năm không triển khai, nếu cứ tiếp tục như vậy cần phải thu hồi để khỏi lãng phí đất.

Bài 3: Phải quyết liệt với dự án “rùa”

Hơn 10 năm không lập nổi liên doanh, dự án không đi vào hoạt động, gây bức xúc khiếu kiện là những gì tỉnh Long An đang gánh chịu. Đáng lẽ đã thu hồi dự án trên, nhưng vì tránh thiệt hại cho 2 bên, chính quyền tỉnh Long An cùng nhiều bộ, ngành đã tổ chức hàng chục cuộc làm việc nhằm hòa giải. Song, đã đến lúc cần quyết liệt với dự án “rùa” này. 

Đáng lẽ đã thu hồi dự án

Tính tới thời điểm này, theo báo cáo của cả 2 đối tác thì Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa tại Long An có tổng vốn đầu tư 140 triệu USD đã “nuốt” của CPL 15,6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Hồng Phát.

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, 2 bên vẫn chưa lập nổi liên doanh để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật.

Liên quan vấn đề này, tháng 5/2018, tại cuộc họp giải quyết mâu thuẫn 2 bên với sự tham dự của chính quyền tỉnh Long An và nhiều bộ, ngành (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC), ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An khẳng định: “Năm 2008, UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án, năm 2009 cấp quyền sử dụng 232 ha đất cho Công ty Hồng Phát. Theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai, thì dự án này kéo dài quá lâu chưa triển khai, đã đủ điều kiện để thu hồi”.

Ngày 14/9/2018, tại cuộc họp liên ngành giữa lãnh đạo Bộ Tư pháp với Chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết vướng mắc dự án, các cơ quan đã khuyến cáo, nếu các bên kéo dài việc lập liên doanh, dẫn tới vi phạm về tiến độ thực hiện Dự án thì sẽ căn cứ quy định pháp luật để thu hồi.

Trong trường hợp xấu nhất này, theo cảnh báo của đại diện Bộ Tư pháp, sẽ thiệt hại cho cả hai bên.

Nỗ lực hàn gắn tới phút cuối 

Dù vậy, để giải quyết mâu thuẫn hai bên, hàng loạt bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Văn phòng Chính phủ vẫn nỗ lực phân tích, giải đáp theo chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn hai bên tuân thủ pháp luật về đầu tư…

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngày 27/12/2017, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham dự của Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cuộc họp đã phân tích nhiều hướng và đưa nhiều giải pháp tập trung vào việc hàn gắn đôi bên.

Chưa hết, tại buổi làm việc ngày 9/5/2018, có sự tham dự của 17 đại diện cơ quan tổ chức Trung ương, địa phương và 2 doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nêu rõ, căn cứ pháp luật, đáp ứng đề nghị của Công ty CPL, các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã ngăn chặn Công ty Hồng Phát thế chấp 13 chủ quyền đất. Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài mãi, đến lúc cơ quan thi hành án phải hủy bỏ việc ngăn chặn.

Để tạo điều kiện cho hai bên, ông Sơn đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Long An (người có thẩm quyền thu hồi dự án) gia hạn thời gian lần cuối để Công ty CPL và Công ty Hồng Phát thỏa thuận thực hiện phán quyết trọng tài là lập liên doanh để triển khai Dự án.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng thể hiện mong muốn hàn gắn 2 doanh nghiệp: “UBND tỉnh không thể chờ đợi mãi, trong khi 2 bên để sự việc kéo dài làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh yêu cầu 2 công ty đưa ra mốc thời gian cụ thể để thỏa thuận lập công ty liên doanh”.

Tại Báo cáo số 123 ngày 4/6/2018 với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp cũng đề xuất: Để giải quyết vụ việc, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Long An tạo điều kiện cho CPL và Hồng Phát thỏa thuận thành lập công ty liên doanh, tiếp tục ngăn chặn việc giao dịch 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hồng Phát theo quy định pháp luật và đề xuất của CPL. Khi thành lập, nếu Hồng Phát không đưa 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào liên doanh thì Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng cưỡng chế theo luật. Trường hợp tới hạn 5/6/2018 theo yêu cầu của UBND tỉnh Long An, mà việc thỏa thuận không có kết quả thì cơ quan liên quan mới hủy biện pháp cưỡng chế 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Tới hạn 5/6/2018, các bên vẫn không đạt được thỏa thuận, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Long An vẫn kiên trì tổ chức nhiều buổi làm việc với các bên để hàn gắn. Thậm chí, tại cuộc họp ngày 10/6/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ấn định cho 2 công ty trong thời hạn từ ngày 10/6 đến 16h ngày 13/6/2019 phải thỏa thuận được việc lập liên doanh.

Mới đây nhất, ngày 13/11/2019, tại cuộc họp với CPL và Hồng Phát, ông Trần Văn Cần tiếp tục cho thời hạn 2 tháng, để Hồng Phát và CPL tiếp tục đàm phán thực hiện phán quyết của trọng tài, tiến đến thành lập một công ty liên doanh để cùng thực hiện Dự án. Thậm chí, tỉnh Long An còn buộc Hồng Phát phải tạm dừng triển khai Dự án trong 2 tháng, đáp ứng phần nào đề nghị của CPL.

Cần có điểm dừng

Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, kể cả cơ quan thi hành án dân sự không thể thực hiện thay.

Trong trường hợp tới hạn (13/1/2020) theo “lệnh” của Chủ tịch UBND tỉnh Long An mà 2 công ty vẫn không lập được liên doanh thì: “Quá thời gian nếu không đạt được thỏa thuận, UBND tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ xử lý nhằm giải tỏa dư luận về dự án kéo dài quá lâu”, ông Trần Văn Cần cho biết.

Liên quan hướng xử lý trong trường hợp trên, theo một báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa 2 công ty, các bên có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết vụ việc theo quy định.

Tháng 1/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có Văn bản số 360 giải đáp Công ty Hồng Phát: Hai bên có tranh chấp về hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp theo Luật Đầu tư 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Trọng tài thương mại. Tức có thể kiện nhau ra tòa án Việt Nam hoặc trọng tài Việt Nam, trọng tài quốc tế để phân xử.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng, nếu hai bên không thể thành lập công ty liên doanh để tiếp tục hợp tác như phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thì tranh chấp cần phải đưa ra toà dân sự phân xử.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia pháp lý, chính quyền tỉnh Long An có thể thu hồi dự án và khi đó, hậu quả khó lường cho 2 công ty.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho rằng, việc Công ty CPL phải chứng minh năng lực tài chính là cần thiết để 2 bên có thể tiến hành đàm phán. Kiểm toán cũng là cách thức minh bạch để đảm bảo các chi phí thực tế mà Công ty Hồng Phát đã đầu tư trong việc duy trì và phát triển Dự án. Việc kiểm toán sẽ mang lại lợi ích rõ ràng về mặt con số nhưng phải dựa trên tinh thần chân thành, thiện chí của 2 bên và quan trọng là 2 bên xác định và đưa ra được đầu mục công việc cụ thể cần tiến hành, lộ trình để đi đến liên doanh, chứ không phải là quan điểm, giải pháp mà không có hành động cụ thể.

Việc để xảy ra thu hồi Dự án là hậu quả pháp lý xấu nhất, bởi không chỉ gây thiệt hại cho cả CPL lẫn Hồng Phát, mà còn đẩy nhiều cơ quan vào tình trạng khó khăn khi giải quyết việc khiếu nại, khiếu kiện trong bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư dự án.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục