Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 3/2019. Nguyên nhân chủ yếu là do tháng 4 có số ngày làm việc ít hơn (nghỉ Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 7,5%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tỷ trọng cao 70,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 55,43 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm tới 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam). Cả nước có 16 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có 13 mặt hàng đều thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước nhưng lại tăng tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu với tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Như vậy, tháng 4, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam là sự nỗ lực lớn.
Bên cạnh đó, Bộ công thương cũng chỉ ra rằng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019, hoàn thành gần 30% so với kế hoạch, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7-8% (Quốc hội giao) và 8-10% (Chính phủ giao), xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng còn lại phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên (tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng), tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo dự báo của Bộ Công thương, trong quý II và 6 tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sẽ có thêm một số yếu tố tích cực như xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang.
Đặc biệt, việc Mỹ giảm bớt các rào cản thương mại kỹ thuật đối với thủy sản và mở cửa đối với các loại trái cây Việt Nam cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.
Cụ thể, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế sơ bộ đối với 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong đợt rà soát hành chính thứ 13 là 0%. Mặc dù chưa phải là quyết định chính thức, mức thuế này phần nào sẽ giúp việc xuất khẩu tôm sang Mỹ thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan…
Về nông sản, việc xuất khẩu thành công lô hàng xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ với giá cao hơn khoảng 10% - 15% so các thị trường khác, được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại do gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc.
Như vậy, cùng với thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa, hiện đã có 6 loại trái cây được chính thức cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ngoài ra, các yếu tố được nhận định là thuận lợi cho xuất khẩu như dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo là nền tảng cho việc gia tăng sản lượng, kim ngạch hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hai nhóm hàng: Nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản giảm lần lượt là 5,1% và 3,9% so với cùng kỳ 2018. Đáng chú ý có tới 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,3%, cà phê giảm 22,6%, gạo giảm 21,7%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 4,5%. Trong nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng 12,7% so với 4 tháng năm 2018, quặng và khoáng sản khác tăng 19,7% nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác trong nhóm hàng này lại giảm như: Than đá giảm 95,3%, xăng dầu giảm 9,4%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 12,6%); Hàng dệt may (tăng 9,8%); Giày dép các loại (tăng 13,4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (tăng 4,1%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng (17,8%)... Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta có sự chững lại khi giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 16,03 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. |