Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017 (quý III đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%.
Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 9 tháng năm nay có 30 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình trạng xuất siêu chỉ duy trì ở một số thị trường. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì thặng dư ở các thị trường Hoa Kỳ, EU và tiếp tục nhập siêu từ các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.
Trong 9 tháng, xuất siêu sang Hoa Kỳ 25,1 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 21,1 tỷ USD, tăng 8,9%.
Trong khi đó, nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 21,5 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 19 tỷ USD, giảm 3,6%; nhập siêu từ ASEAN 4,5 tỷ USD, tăng 1,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 140 triệu USD, trong khi cùng kỳ 2017 là xuất siêu 216 triệu USD.