4 điểm nghẽn trong phát triển doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù là bộ phận vô cùng quan trọng của nền kinh tế, song doanh nghiệp nhà nước lại chưa khẳng định được đúng vai trò của mình. Điều này đến từ các điểm nghẽn đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách hợp lý.
4 điểm nghẽn trong phát triển doanh nghiệp nhà nước

Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, có khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN. Như vậy, DNNN đang sử dụng vốn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ chế quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Mặt khác, thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ hai đến ba thế hệ.

Tại Hội thảo Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế cuối tháng 3 vừa qua, các chuyên gia cho biết, những hạn chế này đến từ nhiều “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách phát triển và quản trị DNNN hiện nay.

PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh Tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra 4 điểm nghẽn mà DNNN đang gặp.

Điểm nghẽn trong định vị doanh nghiệp nhà nước

Theo ông Hải, Nhà nước cần định vị lại DNNN, phải có sự tập trung nghiên cứu, bàn bạc dứt khoát. Trước đây DNNN chi phối toàn bộ nền kinh tế, do đó không cần phải định vị, tuy nhiên, thế giới hiện nay ngày càng phức tạp, DNNN Việt Nam cần được định vị rõ ràng là công cụ quản lý nhà nước, bình ổn kinh tế vĩ mô hay đơn vị làm ra tiền.

Ba điều này không thể tồn tại cùng thời điểm bởi nó sẽ gây ra mâu thuẫn, làm nghẽn hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp nhà nước muốn dung hợp thành một thì cần phải phân kỳ giai đoạn rõ ràng.

Mặt khác, DNNN có vai trò tự chủ, tự hạch toán và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sự can thiệp của các cấp bên trên dẫn tới doanh nghiệp không rõ ràng về mục tiêu, khó đánh giá kết quả, hạn chế trong quá trình hoạt động của mình.

Điểm nghẽn ở tầm vĩ mô

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hải cho biết, vướng mắc ở tầm vĩ mô là cơ chế chính sách cũng kéo hoạt động của doanh nghiệp đi ngược lại với sự phát triển. DNNN do Đảng, Nhà nước thành lập và để thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì luôn gặp vấn đề khung pháp lý thiếu ổn định và không rõ ràng.

Trước đây, DNNN có Luật Doanh nghiệp Nhà nước quản lý, nhưng sau đó hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng có những quy định về DNNN tuy nhiên đã thay đổi nhiều lần, mỗi lần thay đổi đều khiến các doanh nghiệp cảm thấy lo lắng.

"Bởi nhiều điều mà trước đây theo luật là đúng, nhưng sau này sửa đổi lại thành chưa đúng và có thể phải truy cứu trách nhiệm cả những người đã về hưu”, ông Hải giải thích.

Hay quy định về mô hình tổ chức hoạt động thiếu triết lý thống nhất khiến bên dưới phải tùy cơ hành động. Cùng với đó, cơ chế chủ quản nặng nề và thường thay đổi cơ quan chủ quản cũng đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Viện trưởng cho rằng: “Các DNNN trước có thể thuộc bộ ngành, địa phương, sau đó trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước…, chưa kể cần phải xin ý kiến của cấp trên, các cơ quan có thể không quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn phải xin ý kiến”.

Điểm nghẽn ở tầm vi mô

Theo ông Hải phân tích, nước ta thường thiếu chiến lược tổng thể phát triển doanh nghiệp nhà nước, chưa đầu tư phát triển đội ngũ quản lý cao cấp cho DNNN một cách lâu dài.

Đồng thời là cơ chế quản lý tài chính mang tính xin - cho. Trên thực tế, có nhiều DNNN kinh doanh có lãi nhưng phải nộp lại cho cơ quan cấp trên. Khi doanh nghiệp muốn đầu tư hay phát triển kinh doanh phải đề xuất xin tiền, tức tiền của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không được tùy ý sử dụng.

Mặt khác quy trình thủ tục vô cùng dài dòng, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đến tiến độ của hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Điểm nghẽn từ nội tại doanh nghiệp nhà nước

Đặc biệt, theo PGS.TS. Hoàng Văn Hải, nội tại các DNNN thường không có chiến lược phát triển, trong khi quy định thông tin doanh nghiệp cần phải có. Khi doanh nghiệp không có đường đi và cam kết lâu dài thì câu chuyện phát triển sẽ trở nên rất khó khăn và thiếu trách nhiệm.

Về cạnh tranh trên thị trường, các chuyên gia cho rằng DNNN chỉ nên làm hai lĩnh vực: Hoặc là lĩnh vực độc quyền không cho doanh nghiệp tư nhân làm, hoặc là lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không chịu làm thì DNNN làm.

“Nếu bắt DNNN cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân thì chắc chắn thua. Bởi điều này đòi hỏi DNNN phải linh hoạt, thích ứng như thị trường, nhưng DNNN là công cụ quản lý của Nhà nước, phải đi theo thể chế quy trình, hành chính hóa và bị mâu thuẫn”, ông Hải khẳng định.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục