Đổi mới tư duy doanh nghiệp nhà nước để đổi lại “sự tin cậy chiến lược” quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã được cải thiện, thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số lĩnh vực, tạo nguồn thu lớn cho nhà nước. Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thể hiện đúng nguồn lực và còn nhiều yếu điểm.
Đổi mới tư duy doanh nghiệp nhà nước để đổi lại “sự tin cậy chiến lược” quốc tế

Sáng ngày 31/3, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực

Trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước có bước phát triển vượt bậc góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của nền kinh tế, khẳng định vai trò then chốt và lực lượng vật chất quan trọng của quốc gia.

Với quá trình đẩy mạnh cổ phần hoá, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, song vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,07% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ.

Bên cạnh đó, cơ chế quản trị doanh nghiệp còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ; tính công khai, tính minh bạch còn hạn chế; sử dụng vốn trong doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém; vấn đề ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích thực trạng một số ngành hiện nay.

Cụ thể, về lĩnh vực năng lượng hiện có 4 tập đoàn lớn của quốc gia, gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex.

Các doanh nghiệp có thị phần lớn trong nền kinh tế như xét về nguồn phát điện, các nhà máy điện của EVN, PVN, TKV chiếm 87% cơ cấu, các nhà máy thuộc các thành phần kinh tế khác chỉ chiếm 13%. Xét về phân phối xăng dầu, PVOil - công ty con của PVN và Petrolimex là 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, chiếm gần 70%. Xét về hóa lọc dầu, PVN đáp ứng 70 - 75% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Về lĩnh vực đầu tư vốn và tài chính, ngân hàng, 3 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank và BIDV (không tính Agribank do đang triển khai thực hiện cổ phần hóa) có tỷ suất ROE chiếm thị phần khoảng gần 50% trên thị trường huy động vốn và cho vay vốn. Trong đó, Vietcombank có tỷ suất ROE và lợi nhuận trước thuế cao nhất (ROE đạt 29% vào năm 2019).

Về lĩnh vực viễn thông, các doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần tuyệt đối (hơn 90%) trong lĩnh vực này. Đồng thời, đây cũng là các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Trong đó, Viettel là doanh nghiệp có các chỉ tiêu tài chính tốt nhất và Mobifone là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất.

Về lĩnh vực nông nghiệp, nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối tại 3/4 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vai trò và vị trí của các doanh nghiệp này còn mờ nhạt.

Cụ thể, Tổng công ty Lâm nghiệp chủ yếu ghi nhận lợi nhuận đến từ chia lãi liên doanh và cho thuê văn phòng tại Hà Nội; Tập đoàn Công nghiệp Cao su do đầu tư khu công nghiệp trên cơ sở đất cao su hết chu kỳ khai thác; các Tổng công ty lương thực chiếm thị phần khá khiêm tốn trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực hiện một số nhiệm vụ chính trị.

Về lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và logistics, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này thường có tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng nắm giữ những hạ tầng kinh tế quan trọng của đất nước.

Trong đó, Tổng công ty Đường sắt có hiệu quả thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách. Doanh nghiệp hàng không và cảng hàng không cũng có thị phần tương đối lớn (23% thị phần tại thị trường quốc tế, 37% nội địa) nhưng gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19. Tổng công ty Hàng hải chủ yếu lợi nhuận từ hoạt động cảng biển, vận tải biển vẫn thua lỗ. Riêng Tổng công ty Tân Cảng hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực cảng biển và logistics.

Về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp khu vực tư nhân và FDI. Đối với công nghiệp hóa chất, Vinachem chủ yếu tập trung hóa chất tiêu dùng, chưa thực sự có nhiều ý nghĩa đề thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa.

Đối với ngành thép, VNSteel khả năng cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp. Đối với ngành cơ khí, trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy chủ yếu là từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc khối FDI. Trong các lĩnh vực cơ khí khác, doanh nghiệp nhà nước cũng hoạt động kém hiệu quả.

Đổi mới tư duy để phát huy tối đa vai trò doanh nghiệp nhà nước

Trước thực tế hoạt động không được như kỳ vọng đã kéo dài nhiều năm, các chuyên gia đã đề xuất những biện pháp, nhằm tăng cường hiệu quả vai trò doanh nghiệp nhà nước trong tương lai.

Theo đó, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra một số định hướng cải cách, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trước hết, ông Sang cho rằng doanh nghiệp nhà nước cần tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm, có tính kiến tạo phát triển các hiệp định thương mại thế hệ mới như FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Nhà nước cũng nên tận dụng thời kỳ dịch bệnh Covid-19 để chuyển đổi số, nhất là thoái vốn nhà nước (Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có năm 2020 trong IPO). Đặc biệt, niêm yết quốc tế để một mũi tên trúng 3 đích: vừa được vốn, vừa được quản trị và có hiệu quả.

Cuối cùng, ông Sang yêu cầu cần làm rõ nội hàm kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt; hoàn thiện quản trị, bình đẳng, thống nhất về thực chất giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác nhất là những khâu yếu như tuyển dụng, bổ nhiệm.

Về khối doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Quang Tuấn, Ban Nghiên cứu Sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng nhà nước cần mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ; hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp trong công tác dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhà nước xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể để phát triển các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt về công nghệ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế số.

Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp nhà nước cần thể hiện vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế, góp phần đưa uy tín và vị thế của Việt Nam lên cao trong mắt của cộng đồng quốc tế.

Đây cũng là cơ hội để thế giới biết đến Việt Nam với lợi thế đặc biệt là “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận dòng vốn chuyển dịch trong tương lai.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục