Thiết kế chính sách cho doanh nghiệp “chim đầu đàn” bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thuộc 4 lĩnh vực sẽ được thí điểm những cơ chế, chính sách đột phá để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường.
Vietcombank là một trong 7 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn được xác định là “chim đầu đàn” của nền kinh tế. Vietcombank là một trong 7 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn được xác định là “chim đầu đàn” của nền kinh tế.

Bảy doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò “chim đầu đàn”

Cuộc họp về Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì chiều 10/3 có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhất các tập đoàn, tổng công ty, kể cả các doanh nghiệp chưa nằm trong đề xuất tham gia của Đề án, đủ để thấy được sự quan tâm của các “ông lớn” DNNN đối với đề án quan trọng này.

Theo Dự thảo Đề án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo - công bố để lấy ý kiến hồi cuối năm 2020, có 7 doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là “chim đầu đàn” đảm nhiệm vai trò “mở đường, dẫn dắt”, gồm 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo; 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics và 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Bốn ngành, lĩnh vực trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.

Tương ứng với 4 ngành, lĩnh vực này, các doanh nghiệp được lựa chọn phải có tổng tài sản sản trên 20.000 tỷ đồng; một số tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…

Dự thảo Đề án đề xuất các chính sách chung, với nguyên tắc phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai của chính sách.

Về cơ chế riêng với các lĩnh vực, Đề án đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ số, nghiên cứu hình thành Quỹ Phát triển công nghệ cho Viettel; ban hành cơ chế hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng; nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư, trong đó có đầu tư mạo hiểm…

Bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến từ chính các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh có rất nhiều cơ hội, nên chăng phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để tận dụng được cơ hội, chứ không “bó tay, bó chân” doanh nghiệp. Tất nhiên, điều này phải đi kèm việc giám sát hiệu quả.

“Thậm chí, kể cả một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt, nhưng nếu cần, thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt. Tranh thủ cơ hội để giúp doanh nghiệp trỗi dậy, đất nước bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

“Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu rất rõ, tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ”, Bộ trưởng khẳng định.

Sớm ban hành chính sách để DNNN bứt phá

Để phát triển nhóm doanh nghiệp “chim đầu đàn”, theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần sửa đổi các văn bản pháp luật với định hướng đột phá, như quản lý theo mục tiêu và Nhà nước chỉ định kỳ giám sát, cho phép các doanh nghiệp này hình thành các quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương cho nhân lực chất lượng cao.

Định hướng này nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp có tên trong Đề án, cũng như các DNNN tham dự cuộc họp.

Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng cho rằng, chính sách cần theo hướng làm sao để DNNN có quyền tự chủ giống doanh nghiệp tư nhân, “ông chủ tịch chịu trách nhiệm rõ ràng, nhận quyền lợi rõ ràng”.

Bên cạnh đó, để làm chủ công nghệ lõi, ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh, cần phải có chiến lược, bởi công nghệ là những cái mới, có yếu tố rủi ro, nên cần cho phép DNNN “bảo toàn vốn trên tổng thể, chứ không bảo toàn vốn từng dự án”.

Đánh giá cao về nội dung Dự thảo Đề án, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, ngoài nhóm “sếu đầu đàn”, cần có cả “sếu thứ hai, thứ ba”. “Chim đầu đàn phải đảm bảo dẫn dắt, tập trung nguồn lực, tức là phải mạnh, tạo ra những cái áp dụng được”, ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, vị đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này đang sửa nhiều luật với những điều khoản quy định theo hướng mở hơn cho doanh nghiệp, như cho phép đưa chi phí thăm dò vào chi phí hợp lý khi sửa đổi Luật Dầu khí…

Ghi nhận ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những ngành, lĩnh vực dự kiến trong Đề án không nên “cứng” mà nên để “động và mở”. “Trong thế giới luôn thay đổi bất định, thì không thể định hình năm sau doanh nghiệp nào là chủ lực, dẫn dắt. Trước mắt, chúng ta chọn những doanh nghiệp này, tùy từng thời kỳ tập trung cho nhóm ngành nào thì sẽ bổ sung”, Bộ trưởng nói.

Khẳng định Đề án này rất hay, rất quan trọng, nhưng cũng rất khó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa, sớm hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để các DNNN bứt phá.

Trong Dự thảo Đề án Phát triển DNNN quy mô lớn, 7 doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là “chim đầu đàn” bao gồm:

Viettel, VNPT, MobiFone (lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (lĩnh vực năng lượng tái tạo)

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (lĩnh vực cảng biển và logistics)

Vietcombank (lĩnh vực tài chính - ngân hàng).

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục