6 tháng đầu năm, thị trường trái phiếu (TTTP) ghi nhận những con sóng khá ấn tượng, do lãi suất tăng/giảm với biên độ lớn và NĐT liên tiếp mua ròng, thì xu hướng ngược lại đang diễn ra từ cuối tháng 6, khi NĐT chuyển sang bán ròng. Liệu đây có phải là chỉ báo cho xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm?
6 tháng đầu năm nay, do kinh tế vĩ mô chưa có những tín hiệu phục hồi rõ nét, mặt bằng lãi suất liên tục giảm, cộng với tình trạng tín dụng tiếp tục tăng trưởng chậm hơn mức tăng huy động vốn, kinh tế thế giới phục hồi chậm và ngân hàng trung ương nhiều nước phát triển duy trì môi trường lãi suất gần 0%..., nên tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn trên TTTP. Điều này từng bước tạo ra lực cầu đầu tư vào trái phiếu VND tăng lên ở cả đối tượng NĐT trong nước cũng như nước ngoài. Diễn biến này giải thích tại sao từ đầu năm đến tháng 5/2013, liên tiếp tại nhiều thời điểm, NĐT, nhất là khối ngoại, liên tục mua ròng. Tuy nhiên, một xu hướng ngược lại đã xuất hiện từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, khi một bộ phận NĐT chuyển sang bán ròng, vì nhận thấy 3 ẩn số chính trên thị trường.
Đó là những ẩn số nào, thưa ông?
Đầu tiên, 6 tháng cuối năm nay, Việt Nam có đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,1%, để cả năm đạt 5,5% như kế hoạch hay không là một ẩn số lớn. Việc đạt hay không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho cả năm, có liên quan chặt chẽ đến diễn biến tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. Nếu khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tốt theo. Khi đó, thanh khoản của các NĐT chính trên TTTP là các NHTM sẽ bớt dồi dào, nên sẽ không sẵn sàng đổ nhiều tiền vào trái phiếu như 6 tháng đầu năm- giai đoạn tín dụng đóng băng. Ngược lại, trong trường hợp tăng trưởng tín dụng không mấy khả quan, thì các NHTM cũng sẽ thận trọng hơn khi cân nhắc tham gia đầu tư vào trái phiếu vì còn những ẩn số.
Thứ hai, với đợt giảm tiếp mặt bằng lãi suất gần đây, nhất là cuối tháng 6/2013, NHNN phát đi tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng đây là giới hạn cuối cùng của việc điều chỉnh lãi suất trong năm nay. Nói cách khác, khi dự báo đây là đáy của công cụ điều chỉnh lãi suất, thì các NĐT sẽ tính nhiều đến khả năng từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất sẽ đi ngang, hoặc nhích lên chút ít, tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, với đặc thù kinh doanh trái phiếu, việc tham gia giao dịch trong những thời điểm mặt bằng lãi suất đang ở vùng đáy như hiện tại sẽ rủi ro. Điều này giải thích tại sao gần đây một bộ phận NĐT rục rịch bán ròng.
Thứ ba, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng sẽ kết thúc gói kích thích kinh tế QE3 vào cuối năm nay, đã khiến một bộ phận không nhỏ NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, do lo ngại thanh khoản đồng USD sẽ từng bước bị thắt chặt hơn. Điều này đã làm cho lãi suất các công cụ nợ bằng USD trên thị trường quốc tế tăng nhanh, kể cả lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ Việt Nam trên thị trường quốc tế bằng đồng USD cũng đã tăng trên 150 điểm lãi suất trong thời gian gần đây. Tình hình này đã phần nào làm giảm sự hấp dẫn của trái phiếu VND khi mà lãi suất trái phiếu nội tệ đang ở mức thấp.
Ông có cho rằng động thái bán ròng của NĐT nước ngoài gần đây là phản ứng thái quá?
Phản ứng của thị trường là luôn đi trước thực tế những gì diễn ra. Do vậy, không khó hiểu trước động thái bán ròng của một bộ phận NĐT trong những phiên gần đây. Ngay cả khi mặt bằng lãi suất có thể còn giảm nữa, thì dư địa và mức giảm sẽ không thể mạnh như 6 tháng đầu năm. Vì vậy, tâm lý thận trọng của một bộ phận NĐT ở giai đoạn hiện nay là hoàn toàn bình thường.
Diễn biến trên đồng nghĩa với TTTP trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ kém hấp dẫn hơn, thưa ông?
Diễn biến của thị trường có vẻ đang phản ánh một số dấu hiệu về điều đó. Tuy nhiên, mức độ hấp dẫn và sự sôi động của thị trường, sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước từ nay đến cuối năm. Thực tế cho thấy, tuy chính sách tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tập trung vào nâng cao chất lượng và sự ổn định đã và đang được Chính phủ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đúng hướng nhưng còn phụ thuộc vào điều kiện khách quan của môi trường kinh tế quốc tế và cần có độ trễ trong thẩm thấu chính sách. Nếu tốc độ tín dụng của hệ thống ngân hàng 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động, sức cầu yếu, lạm phát duy trì thấp, thì dư địa để giảm tiếp mặt bằng lãi suất vẫn còn. Trong bối cảnh đó, nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục tăng. Nếu tín dụng cải thiện vừa phải, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ đi ngang. Điều này cộng với các yếu tố khác, sẽ khiến TTTP nhiều khả năng đi ngang từ nay đến hết năm 2013.