Khổ vì ách tắc thủ tục pháp lý
Trong năm qua, Covid-19 mang tới cơn ác mộng với các doanh nghiệp, thế nhưng khi được lựa chọn phương án giải quyết bài toán khó khăn của mình, đa phần doanh nghiệp nhấn mạnh tới giải pháp xử lý ách tắc về pháp lý, thay vì chính sách hỗ trợ tài chính.
Như chia sẻ của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại một buổi tọa đàm về bất động, sự chồng lấn, không rõ ràng trong hệ thống văn bản liên quan đến bất động sản trở thành nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
“Hàng trăm dự án bất động sản không thể triển khai, bị ách lại giữa chừng... do vướng mắc thủ tục hành chính. Nếu khơi thông thủ tục pháp lý vào lúc này còn “quý hơn vàng”, thậm chí mang tính sống còn đối với đa phần doanh nghiệp bất động sản”, ông Dũng nhấn mạnh.
Là người thường xuyên đưa ra kiến nghị tới Chính phủ về các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản trong năm qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nhiều văn bản pháp luật được ban hành từ 5 - 6 năm trước đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay, đến khi Covid-19 xuất hiện, khó khăn của thị trường bất động sản càng bộc lộ rõ.
Lấy ví dụ, ông Châu cho biết, Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/12/2015. Nhưng từ đó đến nay, thị trường bất động sản tắc nghẽn về thủ tục các dự án đầu tư nhà ở mà không có 100% quỹ đất ở.
Mức độ chênh lệch cung cầu về nhà ở đang ở mức cao. Ảnh: Dũng Minh |
“Từ ngày 10/12/2015, rát nhiều dự án đầu tư bất động sản đều bị đình đốn, nhưng chưa tác động ngay lập tức đến nguồn cung, lý do bởi nguồn cung trên thị trường từ sau năm 2015 là những dự án cũ tiếp tục được triển khai. Tới năm 2018, nguồn này cạn kiệt, trong khi nguồn cung mới gặp khó, dẫn tới quy mô thị trường bị thu hẹp. Giảm số dự án, đương nhiên hệ quả là sản phẩm đưa ra thị trường sụt giảm, lệch pha cung - cầu”, ông Châu phân tích.
Báo cáo mới công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tại TP.HCM, nếu năm 2018 trên địa bàn Thành phố có 122 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án, thì đến năm 2020 giảm còn 31 dự án. Số lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng ra thị trường chỉ đạt 15.275 căn hộ và 1.620 nhà thấp tầng, tương ứng lượng cung bằng 59,7% so với năm 2018 và 68,1% so với năm 2019. Tương tự tại Hà Nội, năm 2020 có 45 dự án đủ điều kiện bán hàng với 17.626 căn hộ và 1.584 nhà thấp tầng, chỉ bằng 66,9% so với năm 2019 (60 dự án đủ điều kiện bán hàng).
Là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, “sức khỏe” ngành bất động sản quyết định lớn đến sự “lên xuống” của nhiều ngành nghề và thực tế này không chỉ diễn ra riêng với Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Hầu như ngành nghề nào cũng đều gắn bó và có mối liên hệ mật thiết với bất động sản, khi vừa là nơi hút nguồn vốn lớn từ ngân hàng, chứng khoán…, vừa tạo ra động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải...
Nói như ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, khó khăn trong thực hiện các thủ tục pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp e dè với các quyết định đầu tư dự án bất động sản. Nếu không nhanh chóng đưa ra giải pháp để khơi thông dòng chảy vốn đầu tư, với vai trò là “chim báo bão”, khi thị trường bất động sản “cảm lạnh” thì nền kinh tế cũng khó có thể không “hắt hơi, sổ mũi”.
Khơi thông nguồn cung
Thực tế, đã có nhiều chính sách mới được ban hành thời gian qua để gỡ vướng cho doanh nghiệp, tạo động lực cho thị trường. Chẳng hạn, tháng 2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 25 quy định việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất. Đến tháng 4, Nghị định 41 ra đời, cho phép doanh nghiệp gia hạn thời hạn nộp thuế.
Vào tháng 7, Thông tư 21 của Bộ Xây dựng được ban hành, với quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2 bắt đầu có hiệu lực đã tạo lực đẩy cho thị trường căn hộ. Thời điểm cuối năm 2020, Nghị quyết 164 được đưa ra để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.
Đặc biệt, vào ngày 18/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó bổ sung Điều 14a: Giao đất, cho thuê đất với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý, hướng đến giải quyết điểm nghẽn là vấn đề đất công xen kẹt trong dự án thời gian qua - một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án bị ách tắc trong xác định tiền sử dụng đất, giấy phép xây dựng.
Tuy vậy, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. Chẳng hạn, Nghị định 148 chưa lấp được khoảng trống lớn về phê duyệt các dự án và các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới, khiến cả phân khúc nhà ở lẫn bất động sản nghỉ dưỡng bị “bó chân”.
Ông cho biết, Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở phải là đất ở, nhưng Luật Đất đai lại quy định chỉ cần thu hồi xong được giao đất là có thể triển khai dự án, sự chồng chéo này gây khó trong việc phê duyệt dự án. Liên quan tới các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng loại mới, theo hướng dẫn tại công văn 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cấp Giấy chứng nhận loại hình nghỉ dưỡng có thời hạn 50-70 năm, tức là có thời hạn, điều này làm cho các nhà đầu tư rời bỏ bất động sản nghỉ dưỡng bởi tâm lý đã sở hữu nhà đất thì phải sở hữu vĩnh viễn. Theo ông, bất động sản nghỉ dưỡng hiện vẫn phát triển, nhưng chủ yếu bằng nguồn lực của các doanh nghiệp lớn, mà thiếu sự góp mặt của nhà đầu tư cá nhân.
“Mặt khác, lâu nay, chúng ta vẫn nhìn các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng mới theo mô hình truyền thống, chưa bằng con mắt của nền kinh tế chia sẻ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của phân khúc này. Đây là vấn đề cần sớm giải quyết trong năm 2021”, ông Võ nhấn mạnh
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2020 của Bộ Xây dựng vừa diễn ra, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, trong năm 2021, Bộ sẽ tập trung giải quyết cơ bản vấn đề nguồn cung để phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện các chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
“Bộ sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược này sẽ đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, bố trí đủ quỹ đất, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở. Song song với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững”, ông Vinh nói.
Sẽ có gần 43.000 căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM được bán ra năm nay
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam |
Thị trường bất động sản có nhiều dư địa để tăng trưởng trở lại trong năm 2021 khi những vướng mắc về thủ tục được tháo gỡ giúp tăng nguồn cung, các chủ đầu tư cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Theo đó, TP.HCM sẽ có gần 17.500 căn hộ được bán ra, tăng 14% và Hà Nội là 25.200 căn, tăng 66%.
Tuy nhiên, do chênh lệch cung - cầu vẫn lớn nên giá nhà sẽ khó có thể giảm. Giá căn hộ tại TP.HCM được dự báo tăng trung bình 5% so với năm 2015, lên khoảng 46 triệu đồng/m2, trong khi giá căn hộ Hà Nội sẽ ổn định trung bình ở vùng 32 triệu đồng/m2.