Trong đó, thông tin công bố ban đầu mới chỉ là thương vụ của MSB, hiện đang trong quá trình lựa chọn đối tác bảo hiểm để tiếp tục ký độc quyền cho giai đoạn 15 năm tới. Công tác mời thầu đã được triển khai và dự kiến quý I/2021 sẽ hoàn tất. Thương vụ còn lại chưa được công bố vì còn trong giai đoạn chuẩn bị.
Được biết, tiêu chí lựa chọn đối tác của MSB là những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nằm trong Top 3 thị phần tại Việt Nam (hiện là Manulife, Prudential và Daiichi Life) và có kinh nghiệm trong mảng hợp tác bán chéo bảo hiểm. MSB hiện đang bắt tay với Prudential Việt Nam và Dai-ichi Life Việt Nam để phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Như vậy, sau những thương vụ hợp tác độc quyền lớn mới đây là Manulife với VietinBank, FWD với Vietcombank hay Sun Life với ACB, cũng như những thương vụ thực hiện trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng và nhà bảo hiểm nhân thọ sẽ không còn nhiều lựa chọn để thực hiện các “deal” bancassurance độc quyền đình đám.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hãng bảo hiểm nhân thọ đều đã ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền với các ngân hàng lớn. Chẳng hạn, Dai-ichi Life Việt Nam ký hợp tác độc quyền với HDBank trong 10 năm, hợp đồng bắt đầu từ tháng 7/2015. Cuối năm 2016, Dai-ichi tiếp tục ký hợp tác độc quyền 5 năm với LienVietPostBank. Tới tháng 9/2017 ký độc quyền 20 năm với Sacombank và tháng 10/2017 ký độc quyền 15 năm với SHB.
Hay với Prudential Việt Nam, năm 2015 ký hợp tác độc quyền với VIB trong 15 năm. Năm 2019 tái ký hợp tác độc quyền 10 năm với PVcomBank. Prudential và SeABank cũng có mối quan hệ hợp tác độc quyền 20 năm…
Tại Manulife Việt Nam, ngoài thương vụ hợp tác độc quyền với VietinBank mới đây, năm 2017 đã ký độc quyền với Techcombank trong 15 năm, đồng thời đang độc quyền sở hữu kênh phân phối bảo hiểm của SCB.
Ngoài ra, một số hãng bảo hiểm khác như AIA Việt Nam năm 2017 đã ký thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền 15 năm với VPBank. Ở cấp tập đoàn, hãng bảo hiểm này cũng có hợp tác độc quyền 15 năm với 2 nhà băng ngoại là HSBC và Citibank.
FWD ngoài mối quan hệ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong thời hạn 15 năm với Vietcombank thì còn có hợp đồng độc quyền 15 năm với cả Nam A Bank và ABBank.
Sun Life bên cạnh hợp đồng độc quyền với ACB vừa qua thì còn bắt tay với TPBank để độc quyền phân phối sản phẩm cũng trong 15 năm tới.
Một số ngân hàng khác như Eximbank và OCB đều đang là đối tác độc quyền của Generali, BIDV là đối tác độc quyền của BIDV MetLife, Prévoir hợp tác độc quyền với NCB…
Theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, mặc dù tăng trưởng doanh thu phí mới trong 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 16%, thấp hơn mức tăng bình quân 30%/năm giai đoạn 2016-2019, nhưng đóng góp của kênh bancassurance vẫn ở mức cao, khoảng 30% tổng doanh thu phí khai thác mới và sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, bancassurance là một phần không thể thiếu trong hoạt động phân phối sản phẩn của nhà bảo hiểm, cho nên xu hướng hợp tác độc quyền sẽ vẫn lên ngôi. “Nếu không hợp tác độc quyền và độc quyền trong thời gian dài thì bán qua kênh này rất khó có hiệu quả”, vị này cho hay.
Theo một khảo sát mới đây của Vietnam Report, lượng khách hàng tiếp cận bảo hiểm qua kênh ngân hàng ngày càng tăng và trở thành kênh đứng thứ hai sau kênh tư vấn viên. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra 2 vấn đề mà bancassurance chưa giải quyết triệt để, đó là tỷ lệ hủy hợp đồng năm thứ 2 cao và mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng tại mỗi nhà bảo hiểm là khác nhau, trong đó tỷ lệ tái tục năm thứ hai không cao, khoảng 60%.
Thừa nhận thực tế này, nhưng vị CEO trên cũng cho hay, nếu nhà bảo hiểm chú trọng vào chất lượng thì tỷ lệ duy trì hợp đồng sẽ không thấp. Theo vị này, khi có nhiều hơn các thương vụ độc quyền, phân khúc bancassurance sẽ bước vào giai đoạn mới, phát triển nhanh và ổn định hơnn