Độc quyền bancassurance, thương vụ "cứu" cả năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng ACB cũng chốt “deal” hợp tác 15 năm với Sun Life Việt Nam. Thương vụ này được coi là “cứu cánh” của một năm trầm lắng các hợp đồng độc quyền.

Năm 2020, tăng trưởng bancassurance ước đạt khoảng 16%, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất là 30%/năm Năm 2020, tăng trưởng bancassurance ước đạt khoảng 16%, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất là 30%/năm

Thêm một thương vụ triệu đô

Thực tế, độ nóng của các thương vụ độc quyền triệu đô đã lan tỏa trên thị trường từ trước đó, khi FWD mua độc quyền kênh phân phối bảo hiểm của Vietcombank trong 15 năm sau khi mua lại Công ty Liên doanh Vietcombank - Cardif. Theo Bloomberg, giá trị của thương vụ này dự kiến lên đến 1 tỷ USD và riêng khoản "chào sân" đã là 400 triệu USD…

Với Sun Life Việt Nam, hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với ACB là hợp đồng độc quyền thứ hai nhà bảo hiểm đến từ Canada này ký kết với một ngân hàng Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, Sun Life đã công bố thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với TPBank cũng với thời hạn 15 năm, giá trị ước tính hơn 1.700 tỷ đồng.

Để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có ký kết các hợp đồng bancassurance, đầu năm 2020, Sun Life Việt Nam đã tăng gần gấp đôi vốn điều lệ, từ 2.570 tỉ đồng lên 5.070 tỉ đồng. Ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam nhìn nhận, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam liên tục tăng trưởng cao thời gian qua, đạt trung bình 30%/năm trong 5 năm gần nhất, nhưng năm 2020 sẽ khó tiếp tục tăng mạnh do ảnh hưởng của Covid-19, ước đạt khoảng 16%.

“Tuy nhiên, với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP vào khoảng 1,4% như hiện nay – thấp hơn so với mức trung bình của khu vực ASEAN là 3-4% GDP, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển”, ông nói.

Lâu nay, giá trị của mọi thương vụ hợp tác, đặc biệt là các thương vụ độc quyền, luôn là thông tin được thị trường quan tâm. Tuy nhiên, đây cũng là bí mật kinh doanh nên không được công bố cụ thể.

Liên quan tới thương vụ này, trong báo cáo mới nhất phân tích về ACB ra ngày 23/11, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mức phí trả trước theo hợp đồng lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn đáng kể so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền thời gian gần đây, cũng như con số ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là hơn 90 triệu USD (tương đương 2.100 tỷ đồng) hay của Công ty Chứng khoán SSI là khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, giá trị các thương vụ hợp tác độc quyền giữa bảo hiểm ngân hàng đã tăng dần trong vài năm trở lại đây. Điều này khiến giá trị các “deal” trong tương lai giữa ngân hàng và bảo hiểm được cho là sẽ nâng lên một tầm cao mới.

“Cũng khó có thể nhận định gì vì thị trường là như vậy. Các ngân hàng luôn nhìn vào giá trị các thương vụ trước để ra giá cho thương vụ của mình”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm từng tham gia đấu thầu nhiều thương vụ hợp tác với ngân hàng nói.

Được biết, hợp đồng được ký kết từ trung tuần tháng 11/2020, nhưng phải đến 1/1/2021 thỏa thuận giữa ACB và Sun Life Việt Nam mới chính thức được 2 bên triển khai. Trước đó, ACB đã hợp tác bán bảo hiểm không độc quyền cho AIA, FWD và Manulife.

Phát triển bancassurance: Lợi và hại

Bancassurance được xem là kênh “hái ra tiền” cho các ngân hàng, đặc biệt là hợp đồng độc quyền với nhà bảo hiểm bởi luôn giúp các ngân hàng kiếm được một khoản phí trả trước cao cũng như tạo ra một nguồn thu nhập ổn định sau này. Còn với các công ty bảo hiểm, tệp khách hàng rộng lớn của ngân hàng là nguồn thông tin quý giá, nếu tận dụng tốt sẽ giúp nhà bảo hiểm phát triển trong dài hạn.

Thống kê của BVSC cho thấy, Top 5 nhà phân phối bancassurance ở Việt Nam tính đến cuối năm 2019 gồm VIB (14,3% - hợp đồng độc quyền với Prudential), MBB (10,9% - qua MB Ageas Life JV), TCB (9,1% - hợp đồng độc quyền với Manulife), Sacombank (7,8% - hợp đồng độc quyền với Dai-ichi Life) và ACB (6,1% - đối tác toàn diện với AIA, Manulife và FWD, chưa ký độc quyền với Sun Life)…

Dù không phải công ty bảo hiểm nào cũng nhìn nhận hợp tác độc quyền là tốt nhất và chịu chi cho sự hợp tác này, nhưng đây là xu thế tất yếu, bởi về lý thuyết, nếu không áp dụng cơ chế phân phối độc quyền, tức là một ngân hàng có thể bán sản phẩm của nhiều công ty bảo hiểm, thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng mua bán lộn xộn, ảnh hưởng tới cả khách hàng, ngân hàng và nhà bảo hiểm và quan trọng hơn, nếu không được “đầu tư kỹ”, mối quan hệ ngân hàng – bảo hiểm sẽ khó bền.

Doanh thu phí mới đến từ kênh bancassurance được nhìn nhận sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do các thương vụ lớn đã ký kết từ năm trước bắt đầu được đẩy mạnh khai thác. Hiện tại, dù chưa thể so sánh với kênh đại lý cả về quy mô và hợp đồng, nhưng nhờ còn nhiều tiềm năng khai thác, bancassurance được kỳ vọng sẽ giúp nhà bảo hiểm giảm dần sự lệ thuộc vào kênh đại lý, đa dạng hóa các kênh bán hàng và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đặc biệt phân khúc khách hàng trung lưu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, tương tự kênh đại lý, bancassurance cũng sẽ khó duy trì đà tăng trưởng cao và cạn dần dư địa thuận lợi, chỉ còn lượng khách khó khai thác. Khi đó, nếu chất lượng đội ngũ bán hàng không đủ tốt để khai thác sâu thì doanh thu khai thác mới sẽ sụt giảm mạnh.

Mặt khác, cạnh tranh khốc liệt để giành đối tác cũng đã đẩy chi phí của kênh bancassurance lên cao, thậm chí hơn cả kênh đại lý ở một số công ty bảo hiểm. Điều này đi ngược với kỳ vọng ban đầu rằng, bancassurance có lợi thế chi phí thấp hơn so với kênh truyền thống do không mất chi phí đào tạo… Ngoài ra, để “chạy” doanh thu, có ngân hàng sẵn sàng tặng phí bảo hiểm năm đầu cho đối tác, dẫn đến hệ lụy là hợp đồng ngay năm đóng phí bảo hiểm tiếp theo bị ảnh hưởng, chất lượng tư vấn giảm sút...

Để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động này, ngày 30/10/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp "ép", bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin phản ánh tình trạng khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng thời gian qua… Hệ lụy thì có nhiều, nhưng dễ thấy nhất là gây bức xúc và nhiều khả năng khách hàng sẽ không đóng phí hợp đồng năm sau bởi việc đóng bảo hiểm năm đâu chủ yếu là để dễ được giải ngân.

Ngoài ra, tỷ lệ tái tục hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance hiện vẫn chưa được các công ty bảo hiểm công bố vì cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm qua kênh này chưa được thống nhất nên cần được các công ty bảo hiểm nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận, nhiều ngân hàng đang phải đẩy doanh số lên cao để lấy được hợp đồng tốt với công ty bảo hiểm hoặc hoàn thành mục tiêu bán hàng của những năm đầu sau khi ký hợp đồng độc quyền, cho nên hy vọng kênh bancassurance sẽ phát triển thực chất hơn trong một vài năm tới.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục