“Năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm đến từ kênh bancassurance của chúng tôi đã đạt hơn 700 tỷ đồng, dự kiến kết thúc năm 2019 con số này sẽ đạt 1.000 tỷ đồng”, đại diện một doanh nghiệp có thị phần trong Top 5 khối phi nhân thọ tiết lộ. Cũng theo vị này, doanh thu từ bancassurance của công ty bảo hiểm này đang chiếm 20% trong tổng doanh thu phí và sẽ tăng mạnh hơn trong năm 2020.
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bancassurance tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở cả 2 lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ.
Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, tính đến 31/10/2019, nếu như doanh thu toàn thị trường nhân thọ đạt 8.000 tỷ đồng, thì riêng doanh thu của kênh bancassurance từ 10 ngân hàng lớn đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng.
Với khối phi nhân thọ, tuy không có con số chính thức, nhưng nhiều doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bancassurance lên đến 30%. PTI, PJICO, Bảo Việt, VBI, ABIC, BIC… là những doanh nghiệp đang bán bảo hiểm rất tốt qua kênh này.
Hiện nay, các doanh nghiệp phi nhân thọ đang cung cấp 3 nhóm sản phẩm bảo hiểm chính cho ngân hàng: Một là những sản phẩm gắn với tài sản đảm bảo như bảo hiểm ô tô, nhà chung cư, tài sản, nhà xưởng máy móc…
Đây là nhóm sản phẩm luôn được cả ngân hàng cũng như doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên đẩy mạnh do khách hàng vay vốn bắt buộc phải mua để đảm bảo giá trị tài sản cầm cố.
Hai là các sản phẩm gắn với khoản vay tín chấp không có tài sản đảm bảo. Đây là sản phẩm gắn với sinh mạng của người vay vốn nhằm đảm bảo việc công ty bảo hiểm sẽ thay người vay chi trả toàn bộ khoản vay đang tồn đọng trong trường hợp không may xảy ra rủi ro.
Ba là bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm sức khỏe, du lịch... Nhóm sản phẩm này chiếm tỷ trọng không cao trong tổng doanh thu từ bancassurance, nhưng là sản phẩm bán kèm nhằm tận dụng nguồn nhân lực là hàng nghìn cán bộ bán hàng, cũng như tập khách hàng “chất lượng” - những người có tiền tại các ngân hàng.
Đại diện một ngân hàng cho biết, doanh thu phí từ bảo hiểm đang đem lại nguồn lợi nhuận cao cho ngân hàng do không phải trả thêm quá nhiều chi phí, mà vẫn có nguồn doanh thu “ròng” lớn và ổn định.
“Giả sử doanh thu hoa hồng từ hoạt động bán bảo hiểm của một ngân hàng là 500 tỷ đồng, thì chi phí trả phải bỏ ra chỉ khoảng 30% và ngân hàng lãi ròng khoảng 70%. Chính vì đem lại mức lợi nhuận cao nên các ngân hàng sẽ đẩy mạnh mảng thị trường này trong năm tới. Thậm chí, có ngân hàng đặt mục tiêu doanh thu bancassurance năm 2020 từ các sản phẩm phi nhân thọ tăng 4-5 lần so với năm 2019”, vị đại diện này nói.
Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang chạy đua trong việc hợp tác với ngân hàng.
Bên cạnh việc cạnh tranh bằng phí và quyền lợi sản phẩm như trước đây, doanh nghiệp bảo hiểm còn tập trung cải tiến công nghệ thông tin để đơn giản hóa công tác bán hàng, nhập liệu, thậm chí là bồi thường.
Đơn cử, mới đây, PTI đã triển khai thành công một loạt giao diện bán hàng online cho các cán bộ bán hàng của MSB, VPBank, ACB…
Nếu như trước đây, để mua được sản phẩm bảo hiểm, khách hàng của ngân hàng sẽ phải chờ nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm đến tư vấn và cấp đơn, thì nay nhân viên của ngân hàng có thể trực tiếp in và gửi giấy chứng nhận điện tử cho khách hàng…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm từ bancassurance của khối phi nhân thọ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới do hoạt động tín dụng của ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt.
Bancassurance cũng sẽ là nguồn thu mới giúp các ngân hàng tăng biên độ lợi nhuận. Do đó, việc tăng cường hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng để triển khai các sản phẩm sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.