2016, nợ phí vẫn là mối lo của Bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Thảo cho biết, năm 2015, bên cạnh việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra thì vẫn còn đó những khó khăn.
Năm 2015, tổng số nợ phí BHXH lên tới hơn 7.600 đồng

Điểm sáng năm 2015

Theo đó, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã tăng 6,8% so với năm 2014, đạt 70,2 triệu người; tổng số thu cũng tăng 9,5% so với năm 2014, đạt 216.576,9 tỷ đồng, hoàn thành 106,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao công tác hoàn thiện chính sách của BHXH, BHYT và BHTN trong năm qua, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để ngành này hoạt động tốt hơn.

Phó thủ tướng coi tỷ lệ gần 77% dân số tham gia BHYT, tăng đều qua các năm cùng với việc giảm nợ đọng BHXH chính là điểm sáng trong hoạt động của ngành năm qua. Việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm được thực hiện kịp thời và đúng quy định.

Cũng trong năm 2015, toàn ngành giải quyết chế độ BHXH cho hơn 8 triệu lượt người (chưa bao gồm các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang), tăng 11% so với năm 2014; phối hợp giải quyết cho hơn 530.000 người hưởng chế độ BHTN, tăng 3% so với năm 2014; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hơn 130 triệu lượt người, giảm 4,1% so với năm 2014.

Kết quả trên theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ngoài do những biến chuyển tích cực của nền kinh tế chung thì còn đến từ nhiều nguyên nhân.

Toàn ngành BHXH đã thực hiện tốt các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và làm tốt công tác phối hợp, cũng như kịp thời đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thu và phát hành thẻ BHYT trong thời gian đầu triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH, Luật BHYT… Vì vậy, đối tượng tham gia BHYT đã tăng mạnh, qua đó tăng tỷ lệ bao phủ. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao công tác tuyên truyền để từng bước tạo sự chuyển biến trong nhận thức về pháp luật BHXH, BHYT. 

Nợ đọng phí bảo hiểm vẫn lớn

Bên cạnh những kết quả khả quan, những vấn đề, khó khăn còn tồn tại trong ngành BHXH cũng được chỉ ra.

Tổng số nợ phí bảo hiểm của BHXH, BHYT, BHTN tính đến cuối năm 2015 lên tới 7.651,6 tỷ đồng. Con số này dẫu đã đạt mức kiểm soát so với năm 2014 khi giảm được 1.021,2 tỷ đồng, tương đương 3,68% so với tổng số phải thu, nhưng theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, con số nợ trên vẫn lớn, nên đề nghị các cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp khắc phục và xử lý các trường hợp nợ đọng phí. Cùng với đó, quản lý tốt việc thu, chi BHXH, BHYT, BHTN nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội mà Đảng, Chính phủ giao phó.

Theo ông Thảo cho biết, vẫn còn đó những khó khăn, cản trở việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là công tác thu và phát triển đối tượng như người dân, doanh nghiệp còn chưa thực sự hiểu các quy định mới của Luật BHXH, Luật BHYT; tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước còn chưa có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, thiểu số còn khó khăn... 

6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016

Trong năm nay, BHXH Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động, sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu như đạt trên 72,45 triệu người tham gia bảo hiểm; tổng số thu phí bảo hiểm đạt 235.095 tỷ đồng; tổng số tiền chi trả dự kiến khoảng 236.997 tỷ đồng…

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao năm 2016, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết cần thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt chế độ chính sách bảo hiểm cho người lao động và nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động;

Thứ hai, tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan khác để triển khai có hiệu quả các quy định tại Luật BHXH sửa đổi, nhất là các chính sách mới của Luật BHYT có hiệu lực từ năm 2016;

Thứ ba, triển khai thành công công tác cải cách hành chính, đạt mục tiêu thời gian giải quyết thủ tục tham gia BHXH, BHYT xuống còn 45 giờ; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành theo đúng lộ trình;

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa;

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo thành mạng lưới đồng hành cùng ngành BHXH;

Thứ sáu, tập trung rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao đi đôi với nâng cao chất lượng, ý thức phục vụ  của đội ngũ công chức, viên chức.

Để góp phần hoàn thành kế hoạch năm 2016, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu BHXH Việt Nam làm tốt công tác truyền thông để toàn dân hiểu được lợi ích và sự cần thiết khi tham gia loại bảo hiểm này. 

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục