2.000 tỷ USD có thể sẽ bị rút ra khỏi nền kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng nghìn tỷ USD sắp bị rút ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu khi các ngân hàng trung ương thực hiện các chính sách thắt chặt định lượng (QT).
2.000 tỷ USD có thể sẽ bị rút ra khỏi nền kinh tế toàn cầu

Trong nhiều năm qua, các ngân hàng trung ương đã mua hàng chục ngàn tỷ USD trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để kìm hãm lãi suất dài hạn và kích thích nền kinh tế. Các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) này đã tạo ra cơn lũ tiền rẻ trên thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, khi lạm phát bắt đầu tăng nhiệt, các ngân hàng trung ương lại xoay chiều chính sách và thực hiện thắt chặt định lượng (QT). Họ thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng cách bán ra các cổ phiếu hoặc không tái đầu tư khi trái phiếu đến hạn. Theo phân tích của Fitch Ratings, các động thái QT sẽ rút đi khoảng 2.000 tỷ USD thanh khoản ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong vòng 2 năm tới.

Việc rút thanh khoản tới 2.000 tỷ USD có thể gia tăng áp lực lên một hệ thống ngân hàng đã đang bất ổn trong thời gian gần đây.

Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn độ cho biết, có thể chúng ta đang bước vào vùng chưa ai biết tới. Ông đã từng đề cập tới rủi ro rút thanh khoản tại cuộc họp giữa các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole trong năm 2022. Ông nhận định về những hậu quả không mong đợi từ các gói QT.

Theo Fitch Ratings, trong giai đoạn từ năm 2009 - 2022, tổng giá trị mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) của các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh, châu Âu và Nhật Bản lên tới 19.700 tỷ USD

Hiện tại, các ngân hàng trung ương có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới (trừ Nhật Bản) đã và đang giảm quy mô trên bảng cân đối kế toán và không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra khi thanh khoản bị rút ra khỏi hệ thống tài chính.

Trong năm 2017, Chủ tịch Fed lúc đó là bà Janet Yellen nhận định, việc thắt chặt định lượng cũng giống với nhìn bức tường có sơn khô từ từ, một điều gì đó lẳng lặng diễn ra trong nền kinh tế. Tuy vậy, ông Rajan lại phản đối quan điểm này, ông cho rằng, các nhà đầu tư và các ngân hàng sẽ điều chỉnh chiến lược theo lượng tiền bị rút khỏi hệ thống. Ông cho rằng, các gói QE đã mang lại cơn nghiện thanh khoản. Vấn đề là nhu cầu thanh khoản ngày càng tăng và rất khó rút thanh khoản khỏi hệ thống tài chính.

Trước đây, việc Fed báo hiệu sẽ giảm nhịp độ mua tài sản trong năm 2013 đã khiến thị trường hoảng loạn và sau này biết tới với hiện tượng taper tantrum.

Và khi Fed cố gắng thực hiện thắt chặt định lượng trong giai đoạn các năm 2017 - 2019, rắc rối đã liền xảy ra. Chẳng hạn, trong tháng 9/2019, lãi suất cho vay qua đêm ở Mỹ đột ngột tăng mạnh. Fed sau đó phải can thiệp bằng việc bơm thanh khoản khẩn cấp.

Theo Gary Richardson, Giảng viên kinh tế tại Đại học California, vẫn còn quá nhiều bất ổn khi kỷ nguyên tiền rẻ chấm dứt.

Thực thế, đã có những bất ổn mà QT gây ra trong 8 tháng qua. Đáng kể nhất là đợt bán tháo trái phiếu Chính phủ Anh trong tháng 9/2022 sau khi cựu Thủ tướng Liz Truss công bố kế hoạch tăng chi tiêu bằng cách vay nợ. Sau đó, đồng bảng rớt mạnh và Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để xoa dịu căng thẳng của thị trường tài chính.

Fitch Ratings nhận định rằng, cuộc khủng hoảng ở Anh cho thấy nguy cơ xảy ra sự rối loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ trong giai đoạn thực hiện QT. Đây nên được xem là hồi chuông cảnh tỉnh với các ngân hàng trung ương.

Ông Rajan cho rằng, QT cũng góp phần dẫn tới sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ, khiến 2 ngân hàng sụp đổ.

Tiền gửi ở các ngân hàng tăng mạnh trong kỷ nguyên tiền rẻ, từ đó làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ của các ngân hàng và vượt xa mức bảo hiểm của Chính phủ. Sau đó, các ngân hàng trung ương bắt đầu rút thanh khoản khỏi hệ thống, từ đó tạo ra tình trạng thiếu thanh khoản nếu khách hàng đột ngột rút tiền. Còn tệ hơn thế, nhiều chứng khoán nằm trong danh mục của ngân hàng đang bị mất giá trong bối cảnh ngân hàng trung ương nâng mạnh lãi suất.

"Lời khuyên của tôi luôn luôn là đừng thực hiện QT trước khi lãi suất ổn định. Làm cả hai thứ cùng một lúc sẽ tạo ra tình huống đầy phức tạp và có thể dẫn tới những rắc rối. Các ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ thực hiện QT dần dần và theo lộ trình có thể dự đoán được để giảm thiểu rủi ro", ông Rajan cho biết.

Jennifer McKeown, Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Capital Economics nhận định, trong 1 năm qua, thị trường trái phiếu trở nên nhạy cảm hơn với các đợt nâng lãi suất hơn là QT. Tác động của QT đến nay vẫn còn khá khiêm tốn.

Tuy vậy, thị trường vẫn còn mong manh. Trong báo cáo công bố vào tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, hoạt động thắt chặt định lượng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Mỹ và Anh đã làm giảm bớt thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ, khiến thị trường này dễ bị biến động mạnh bất thường.

Cuộc khủng hoảng trái phiếu ở Anh trước đó cũng cho thấy không chỉ nhà đầu tư bị tác động từ rủi ro thắt chặt định lượng. Các chính trị gia cũng nên xem xét tới sự thay đổi đang diễn ra.

Mức nợ của các chính phủ đã tăng mạnh trong các năm gần đây. Tuy nhiên, chi phí trả nợ đã giảm bớt phần nào nhờ việc các ngân hàng trung ương sẵn lòng mua phần lớn lượng nợ của Chính phủ. Hiện các Chính phủ cần tìm người mua khác nếu họ muốn tài trợ cho các dự án xanh hoặc các biện pháp số hóa của nền kinh tế.

Richardson cho rằng, cách tiếp cận mới của các ngân hàng trung ương có thể dẫn tới sự xung đột ở Mỹ, ngay cả khi vấn đề trần nợ được giải quyết.

Ông nhận định rằng, nếu ngân hàng trung ương không còn mua các trái phiếu chính phủ nữa, thì lãi suất của khoản nợ sẽ cao hơn nhiều. Tại một thời điểm nào đó, Fed sẽ bị tác động bởi các yếu tố chính trị.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục