
Đồng đô la Đài Loan đã tăng gần 6% so với đồng đô la Mỹ trong tháng này, đồng thời ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày (ngày 5/5) kể từ những năm 1980, trong khi cơ quan tiền tệ của Hồng Kông (Trung Quốc) đã chi số tiền lớn nhất trong một tuần kể từ năm 2020 để ngăn chặn đồng đô la Hồng Kông tăng giá vượt quá mức neo vào đồng đô la Mỹ.
“Đây thậm chí không phải là một lần trong một thập kỷ, mà là một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời. Đây cũng là một động thái phi thường đối với đồng đô la Đài Loan nói riêng”, Mark Ledger-Evans, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty đầu tư thị trường mới nổi Ninety One cho biết.
Các động thái này phản ánh sự không chắc chắn về việc các nhà sản xuất Trung Quốc, các công ty bảo hiểm Đài Loan (Trung Quốc) và các nhà đầu tư châu Á khác sẽ làm gì với hàng nghìn tỷ đô la đầu tư vào Mỹ được tích lũy do xuất khẩu tăng vọt sang Mỹ.
Mặc dù về mặt lý thuyết, các ngân hàng trung ương có sức mạnh tuyệt đối để chống lại những động thái này bằng cách sử dụng đồng nội tệ để mua đô la, nhưng nhiều ngân hàng trung ương vẫn miễn cưỡng bị Mỹ gắn mác là “thao túng tiền tệ” - nhãn mác mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gắn cho Trung Quốc vào năm 2019 khi họ cố gắng thuyết phục nước này giảm thuế quan thương mại.
Theo nhà quản lý danh mục đầu tư Ledger-Evans, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) nói riêng đã bị ảnh hưởng bởi một cơn lốc do suy đoán rằng các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ sẽ dẫn đến tiền tệ địa phương mạnh hơn. Các nhà đầu tư đã đổ xô mua cổ phiếu trong nước và bán trái phiếu Mỹ được nắm giữ thông qua các quỹ đầu tư nội địa, bán tháo đồng đô la Mỹ, chạm đến một trong những khoản đô la Mỹ lớn nhất và ít được phòng ngừa nhất so với bất kỳ nền kinh tế châu Á nào khác.
![]() |
Tiền tệ châu Á tăng giá so với đồng đô la Mỹ trong tháng 5 |
Theo ước tính của các nhà phân tích, trong thập kỷ qua, các công ty bảo hiểm nhân thọ của Đài Loan (Trung Quốc) đã tích lũy được một lượng lớn các khoản đầu tư đô la Mỹ khoảng 700 tỷ USD, khi họ hướng ra thị trường nước ngoài để có lợi suất trái phiếu cao hơn nhằm giúp họ chi trả cho các chính sách và thu hút người tiết kiệm.
Cùng với tài sản do các nhà đầu tư khác nắm giữ, điều này đã đưa Đài Loan (Trung Quốc) trở thành một trong mười nền kinh tế nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu doanh nghiệp Mỹ hàng đầu trên thế giới.
Theo ước tính của các nhà phân tích, để hưởng lợi từ tỷ giá đô la và tránh chi phí phòng hộ, các công ty bảo hiểm đã chọn không bảo vệ khoảng 1/3 số tài sản này trước các biến động tiền tệ.
Nhưng sau những biến động mạnh gần đây, việc thực hiện biện pháp phòng hộ đã trở nên tốn kém hơn. Vào đầu tuần này, chi phí phòng hộ rủi ro đối với đồng đô la Đài Loan trong tháng tới, sử dụng các hợp đồng kỳ hạn đã tăng cao tới 24%, cao hơn nhiều so với mức thông thường.
Stephen Jen, Giám đốc điều hành của quỹ đầu cơ Eurizon SLJ cho biết, các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc đang cùng nhau nắm giữ hàng nghìn tỷ đô la Mỹ ở nước ngoài có thể được hồi hương, điều này sẽ gây ra một cơn lốc tiền tệ địa phương tăng giá.
"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi thêm các yếu tố kích hoạt, nhưng chúng tôi thấy sự bán tháo mạnh mẽ đồng đô la Mỹ so với đồng đô la Đài Loan trong tuần này theo góc nhìn của cơn lốc này. Chúng tôi dự đoán, có khả năng sẽ có những đợt giảm đột ngột khác đối với đồng đô la Mỹ so với các tiền tệ châu Á", ông cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng điều này không có khả năng xảy ra miễn là thặng dư thương mại vẫn đang tạo ra đồng đô la Mỹ cần được đưa vào thị trường trở lại.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc) hiện vẫn đang duy trì hệ thống tỷ giá hối đoái liên kết - biên độ giao dịch giữa 7,75 đô la Hồng Kông và 7,85 đô la Hồng Kông so với đô la Mỹ - các hợp đồng kỳ hạn cho thấy, một số nhà giao đầu tư đang đặt cược rằng đồng đô la Hồng Kông sẽ mạnh lên ngoài biên độ lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Theo dữ liệu của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), HKMA đã can thiệp để mua gần 17 tỷ USD kể từ tháng 5 nhằm ngăn chặn sự tăng giá của đồng đô la Hồng Kông. Phần lớn sự gia tăng này là do dòng vốn lớn, một phần từ các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, đổ vào thị trường vốn địa phương để mua các công ty niêm yết như công ty sản xuất pin CATL.
Trong khi đó, đồng won Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong sáu tháng vào ngày 7/5 là 1.387,95 won trên mỗi đô la Mỹ trong bối cảnh lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ dẫn đến mức thuế quan thấp hơn.
Rhee Chang-yong, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cảnh báo rằng, sự biến động của các tiền tệ châu Á sẽ tiếp tục diễn ra khi sự bất ổn về thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn.
"Các tiền tệ châu Á đã tăng giá gần đây do kỳ vọng về một số loại thỏa thuận trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong các cuộc đàm phán… Do đó, sự biến động sẽ tiếp tục", ông cho biết.