“Chôn vốn” hơn 50.000 tỷ đồng
Tổng hợp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, những vướng mắc mấu chốt nhất của các dự án tập trung ở 3 nhóm vấn đề: xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán toàn bộ dự án; khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; xây dựng phương án thoái vốn.
Chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi (trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế); 2 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ (nhưng chưa bền vững); 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại; 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Có 5 trên tổng số 12 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhưng vẫn không thành công .
Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng.
Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp này, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án với tổng dư nợ đến 31/12/2019 là 9.796 tỷ đồng.
Thực trạng của nhiều dự án hiện rất bế tắc. Chẳng hạn, Dự án của Công ty cổ phần Hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), có PVOil góp 39,76% vốn điều lệ đang đầu tư xây dựng dở dang, đạt khoảng 78% khối lượng công việc.
Các bên không thống nhất với nhau về chi phí phát sinh nên đã dừng thi công từ tháng 11/2011, đến nay chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp góp phần vốn còn thiếu để tiếp tục triển khai, hoàn thành.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đầu tư, xây dựng dở dang, dừng thi công từ quý I/2013; có tổng mức đầu tư tăng cao (từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104,9 tỷ đồng); gặp khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng; Hợp đồng EPC giữa TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được; Tổng công ty Thép Việt Nam phải bảo lãnh đối với khoản vay của TISCO cho Dự án, Ngân hàng VietinBank từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với khoản vay này.
Do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất - kinh doanh của TISCO ngày một giảm dần.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án; khởi tố, bắt tạm giam đối với 5 bị can.
Dự án Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp và vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau đó chuyển sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm chủ đầu tư, trong đó vốn chủ sở hữu là 39,3 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.
Dự án khởi công năm 2004 và đến tháng 6/2008 dừng thi công do chủ đầu tư không huy động được vốn để đầu tư. Đến tháng 6/2009, Dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Vinapaco.
Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh dự án và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 3.409,93 tỷ đồng, Vinapaco đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào tháng 9/2012.
Tháng 4/2010, Vinapco đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào năm 2012. Trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống bị tắc nghẽn ngay từ khâu chặt mảnh cho đến các công đoạn tiếp theo. Từ tháng 5/2014, dự án dừng đầu tư.
Theo báo cáo tài chính của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là 77,43 tỷ đồng, tổng tài sản là 3.091,65 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 3.014 tỷ đồng.
“Bí bách” lối thoát
Với số nợ khổng lồ như trên, càng để các dự án dở dang, cầm chừng, thiệt hại của doanh nghiệp càng lớn. Trong các giải pháp xử lý, phương án tái cơ cấu để thoái vốn, bán dự án được xem là khả thi hơn cả.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo các thủ tục và quy định hiện hành, việc này được các bên liên quan ví như “gà mắc tóc”.
Đơn cử, trước khi thoái vốn phải xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC, nhất là 3 dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.
Doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều nhìn nhận khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các hợp đồng EPC.
Ngay dự án Nhà máy DAP số 1 - Hải Phòng đang được xem xét đưa ra khỏi danh sách bởi đã có lãi 3 năm gần đây, nhưng vẫn lỗ lũy kế, nên các quyết định về điều kiện thoái vốn giữa các văn bản chưa rõ và thống nhất trong áp dụng. Các bên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Với Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF), đã âm vốn chủ sở hữu nên phương án cho thuê tài chính - bán tài sản không thực hiện được vì rao suốt không có đối tác quan tâm.
Còn khởi động, vận hành lại Nhà máy và bán/thoái vốn của PVOil dù công ty này đã làm việc với nhiều đối tác để thoái vốn nhưng không đạt kết quả. Trong khi đó, PVOil chỉ chiếm 29% vốn điều lệ nên không có quyền quyết định việc vận hành nhà máy.
Hiện nay, các cổ đông đang bàn bạc xem xét chủ trương bàn giao tài sản cho ngân hàng tài trợ vốn xử lý theo quy định của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.
Với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, khả thi nhất là thoái vốn.
Tuy vậy, tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong. Về phần người mua, cũng không dễ tìm kiếm, nếu chỉ bán lẻ dự án này.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khi được hỏi có quan tâm và muốn mua lại dự án này không đã trả lời thẳng, dự án không có nhiều yếu tố hấp dẫn từ cả nguồn nguyên liệu và vị trí xa cảng biển để vận chuyển thành phẩm.