Tính theo năm, có lẽ chưa năm nào giải ngân vốn FDI đạt được kết quả tích cực như năm nay. Vẫn còn 1 tháng cuối năm, nhưng theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giải ngân vốn FDI đã đạt trên 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI những năm gần đây chỉ xoay quanh ngưỡng 11 - 12 tỷ USD. Năm ngoái, con số là 12,5 tỷ USD và đã được đánh giá là ở mức cao, dù vẫn thấp so với gần 22 tỷ USD vốn đăng ký.
Không chỉ là vốn giải ngân, số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, vốn đăng ký cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong 11 tháng qua, cả số dự án cấp mới và tăng thêm vốn, số vốn đăng ký đều tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, có 1.855 dự án cấp mới, tăng 30% so với cùng kỳ và 692 lượt dự án tăng vốn, tăng 34,4%, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt trên 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% (trong khi cùng kỳ giảm 16,7%).
“Đó là tín hiệu cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng lựa chọn điểm đến Việt Nam”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định như vậy khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2015.
Trong một chia sẻ cách đây ít ngày, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Văn phòng Jetro tại TP.HCM cho biết, có đến 25% số doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc đã chọn Việt Nam để đầu tư. “Ngoài giá nhân công rẻ, doanh nghiệp Nhật đánh giá cao việc cơ sở hạ tầng của Việt Nam được cải thiện nhiều cầu đường được xây dựng, rút ngắn thời gian di chuyển”, ông Yasuzumi Hirotaka nói.
Vốn giải ngân tăng nhanh, nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng để “tăng lực” cho nền kinh tế trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp trong nước đang còn khó khăn. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp tới 105,15/148,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trong 11 tháng đầu năm, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cụ thể hơn, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng 13,5% so với cùng kỳ thì khu vực doanh nghiệp trong nước lại giảm 2,6%. Và trong khi khối FDI xuất siêu 15 tỷ USD, thì doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu tới 18,8 tỷ USD. Bởi thế, tính chung 11 tháng qua, Việt Nam vẫn đang nhập siêu 3,8 tỷ USD và dù thấp hơn mục tiêu đề ra là bằng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng có thể thấy rất rõ nguyên nhân dẫn tới nhập siêu là ở khu vực doanh nghiệp trong nước.
Những con số này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp FDI trong tạo động lực cho nền kinh tế, đặc biệt trong những năm kinh tế khó khăn gần đây. Song khoảng cách quá lớn giữa hai khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi.
Thậm chí, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại đối với những đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong nước, mà nhất là các doanh nghiệp nhà nước. “Doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 24,6% vốn của cả nền kinh tế, chiếm 25,3% doanh thu thuần, nhưng đã đóng góp tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”, ông Kiên nói.
Khá bức xúc, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng nhắc đến hiện tượng doanh nghiệp FDI tồn tại tốt, nhưng doanh nghiệp trong nước phát triển yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục rõ nét hơn, với dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay có thể vượt 6,5%.
“Nếu chúng ta duy trì một tốc độ tăng trưởng mà dựa vào FDI thì sẽ phát sinh một mâu thuẫn trong nền kinh tế, vì xét cho cùng, FDI vẫn là nợ quốc gia. Nếu phát triển lĩnh vực đó thì GDP tăng, nhưng lợi ích quốc gia sẽ giảm vì tổng nguồn vốn đưa vào bao giờ cũng thấp hơn tổng đưa ra và phân phối không không đều”, chuyên gia Trần Du Lịch nói.
Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội Khóa XIII mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan ngại trước sự phát triển ngược chiều của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, khu vực kinh tế trong nước ngày càng nhỏ và yếu thế hơn so với khu vực FDI. “Cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao có sự phát triển lệch pha ngày càng lớn giữa doanh nghiệp thuộc hai khu vực kinh tế này, do quản trị doanh nghiệp hay do chính sách? Phải tập trung nguồn lực chính sách phát triển doanh nghiệp trong nước ngằm nâng cao sức cạnh tranh, nội lực của nền kinh tế, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI”, ông Trần Ngọc Vinh nói.
Đây là vấn đề đang nổi lên trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, khá nhiều quan điểm được đặt ra về việc có nên thúc đẩy thu hút FDI khiến khu vực này chèn ép doanh nghiệp trong nước không? Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là vốn FDI vẫn luôn là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, cần tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn này. Tuy nhiên, điều quan trọng - theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - là phải làm sao để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên và phát triển song hành với khu vực FDI.
Liên quan đến vấn đề này, ngày mai, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ sẽ được tổ chức với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”. Các trao đổi thẳng thắn và khuyến nghị chính sách sẽ được đưa ra, nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nước và cả khu vực FDI. Chỉ khi doanh nghiệp trong nước thực sự mạnh, đủ năng lực làm “đối trọng” với khu vực FDI, thì những đồng vốn mà nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam mới thực sự có tác động lan tỏa mạnh mẽ đối với nền kinh tế Việt Nam.