Đến thời điểm này, có lẽ không còn phải bàn cãi về những cơ hội mà TPP mang lại cho Việt Nam, đặc biệt trong phát triển thương mại và thu hút đầu tư. Khi thương mại được mở ra, nhờ các cam kết xóa bỏ rào cản thuế quan giữa 12 quốc gia thành viên, thì sẽ tác động mạnh mẽ đến đầu tư không chỉ trong nội khối, mà còn từ các thị trường đầu tư khác.
Rất nhiều ví dụ để chứng minh điều này. Chẳng hạn, HanesBrands (NYSE: HBI), tập đoàn dệt may hàng đầu của Mỹ, mới đây đã công bố việc nâng tổng vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam lên gần 55 triệu USD, tăng hơn 11 triệu USD so với năm 2014, sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam, với 3 nhà máy đặt tại Hưng Yên và Huế. Và một cách thẳng thắn, ông Ajay Godbole, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á, Tập đoàn Hanesbrands khi chia sẻ về kế hoạch này đã đến tương lai rộng mở khi Việt Nam gia nhập TPP.
Nhưng HanesBrands không phải là doanh nghiệp duy nhất nhìn thấy những cơ hội đó tại Việt Nam, khi TPP được ký kết. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của ngành dệt may đã quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam để đón đầu cơ hội do TPP mang lại.
Và cũng không chỉ là ngành dệt may, rất nhiều ví dụ để chứng minh rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn Việt Nam như một cơ hội vô cùng to lớn để đầu tư vào. Sự xuất hiện của các đại gia công nghệ cao, như Samsung, LG, Microsoft, Jabil…, với vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, trong đó chỉ riêng của Samsung đã lên tới trên 14 tỷ USD là bằng chứng rõ ràng nhất. Sự có mặt, thậm chí là “bành trướng” của các đại gia bán lẻ nước ngoài, như Aeon, Auchan, Metro Cash&Carry, BigC, Lotte… cũng là những ví dụ điển hình. Hơn 290 tỷ USD vốn FDI đã được cam kết đổ vào Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Trong bối cảnh ấy, TPP sẽ là “chất xúc tác” để dòng vốn này chảy mạnh hơn nữa. Chất xúc tác không hẳn chỉ đến từ cơ hội về một thị trường thương mại rộng mở, mà từ chính các cam kết của các thành viên TPP liên quan đến đầu tư.
Là một trong những người tham gia vào các phiên đàm phán liên quan đến Chương Đầu tư trong TPP, ông Hoàng Mạnh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, rất nhiều cam kết mang lại thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Chẳng hạn, các cam kết liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư được chuyển không hạn chế vốn, tài sản ra - vào việt nam. “Đây là một cam kết rất quan trọng với nhà đầu tư, cởi mở hơn và minh bạch hơn rất nhiều so với trước đây”, ông Phương nói và cho biết, cam kết này “mở và minh bạch” đến nỗi chỉ những trường hợp chuyển vốn, tài sản mà làm ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, hay liên quan đến tội phạm, trốn thuế, mất khả năng thanh toán… thì mới bị “ách” lại để xem xét.
Nhưng cam kết quan trọng nhất trong Chương Đầu tư của Hiệp định TPP, theo ông Phương, lại đến từ quy định “không phân biệt đối xử”. “Nguyên tắc là chọn bỏ. Trước đây, trong các hiệp định song phương, chúng ta cũng đã nhắc đến nguyên tắc chọn bỏ, nhưng tại TPP, nguyên tắc này được tự do hóa ở mức cao nhất. Lại cộng thêm cơ chế chỉ tiến không lùi thì sẽ mang lại thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư”, ông Phương cho biết.
Nói một cách dễ hiểu, cũng như nguyên tắc chọn bỏ trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, được Quốc hội thông qua từ năm ngoái, thì nhà đầu tư cũng được phép đầu tư, kinh doanh những gì mà Nhà nước không cấm.
Nếu trước đây, các cam kết WTO “gạch đầu dòng” những gì mà nhà đầu tư nước ngoài được làm, thì nay, TPP cho phép các nhà đầu tư được đầu tư, kinh doanh tất cả các ngành nghề, trừ những ngành nghề, lĩnh vực vẫn trong danh mục “bảo lưu”.
Nghĩa vụ “đối xử không kém thuận lợi hơn” nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư từ nước thứ ba, cũng được cho là sẽ tạo thuận lợi lớn để Việt Nam thu hút FDI. Chưa kể, theo ông Hoàng Mạnh Phương, thực hiện các cam kết TPP, các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phải xóa bỏ các rào cản yêu cầu các điều kiện đầu tư không thực sự cần thiết, trái với thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa, về công nghệ, hay cũng không được can thiệp vào các, ví dụ như là 1 số cái cam kết trong GATT, ví dụ phải xuất khẩu 1 tỷ lệ nào đấy, tỷ lệ nội địa hóa, hay gần đây không được can thiệp vào các hợp đồng license, cả về giá, phí…
“Tất nhiên, sẽ có những trường hợp ngoại lệ, và cũng loại trừ các trường hợp như chuyển giá”, ông Phương cho biết.
Rất nhiều cam kết rõ ràng và minh bạch, “dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử, xóa bỏ rào cản không cần thiết như vậy được đề cập trong Hiệp định TPP. Cộng thêm các cam kết về bảo hộ nhà đầu tư, thì TPP thực sự là “chất xúc tác” thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, câu chuyện hiện nay, như Báo Đầu tư đề cập trong bài viết dưới đây liên quan đến việc TPP thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực dệt may, thì cần phải thận trọng với các dự án “lợi dụng” TPP để vào Việt Nam, cẩn trọng với các dự án sử dụng công nghệ thấp, gây ảnh hưởng tới môi trường và tiêu hao năng lượng.
Trên một khía cạnh khác, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh, cũng đã nhắc việc triển vọng gia tăng dòng vốn quốc tế vào Việt Nam không chỉ đem lại những thuận lợi, mà có còn có thể khuếch đại những rủi ro nội tại của nền kinh tế. Chẳng hạn, xu thế vốn ngoại ép vốn nội trên sân nhà, hay chuyện những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam “sẽ càng trở nên nhỏ và siêu nhỏ”.
Ông Tuấn đã nhắc đến một viễn cảnh hậu TPP là, Việt Nam sau 10-20 năm tham gia TPP là một nước chỉ có một số ít doanh nghiệp nội địa lớn mạnh bên cạnh các doanh nghiệp ngoại. Việc một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại cũng cho là có nhiều rủi ro.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nhấn mạnh việc cùng với đẩy mạnh thu hút FDI, phải làm sao để khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển song hành, trở thành đối tác của khu vực FDI.