10 đoàn tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội giá 110 triệu Euro

Dự kiến giữa năm 2020 đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam để cuối năm khai thác thương mại đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy.
Mẫu thiết kế đoàn tàu được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng. Mẫu thiết kế đoàn tàu được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng.

Sáng 28/9, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội công bố kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng về thiết kế đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị số 3, Nhổn - ga Hà Nội.

Ban quản lý dự án đã lấy ý kiến của trên 1.000 người thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp và nơi cư trú. Kết quả hơn 80% người được hỏi đồng ý với mẫu thiết kế và trên 90% cho hay sẵn sàng sử dụng khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động.

Ông Đoàn Việt Dũng thay mặt liên danh nhà thầu cho biết, liên doanh sẽ cung cấp 10 đoàn tàu cho dự án, mỗi đoàn chứa 950 người.

Gói mua sắm 10 đoàn tàu giá trị 110 triệu Euro, ông Nguỵ Như Nguyện, đại diện Ban quản lý dự án thông tin. Hiện tiến độ trên toàn tuyến đạt khoảng 45%, riêng đoạn đi trên cao (từ ga Nhổn đến Cầu Giấy) đạt 70%. 

"Đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam vào giữa năm 2020, các tàu còn lại sẽ về vào cuối năm để vận hành toàn tuyến trên cao 8 km vào cuối năm 2020. Đến cuối năm 2022 sẽ thành toàn tuyến", ông Nguyện nói.

Màu sơn tàu lấy cảm hứng từ cây lúa, quả thanh long

Theo ông Đoàn Việt Dũng, đoàn tàu có ba màu chủ đạo là xanh mạ, hồng đỏ và ghi xám, lấy cảm hứng từ cây lúa, quả thanh long - nông sản đặc trưng của Việt Nam.

Đơn vị thiết kế mất hàng năm để chọn màu sắc vừa đặc trưng cho Việt Nam, thủ đô Hà Nội, vừa phù hợp với điều kiện phần lớn quãng đường tàu di chuyển trên cao.

"Ở châu Âu họ không biết vịnh Hạ Long nhưng khi nói đến quả Thanh Long là biết. Khi nhìn thấy thiết kế họ nói hình như đoàn tàu này sản xuất cho Việt Nam", ông Dũng nói.

10 đoàn tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội giá 110 triệu Euro ảnh 1

 Mẫu thiết kế nội thất của đoàn tàu.

Liên doanh nhà thầu cho biết, tốc độ thiết kế của tàu tương ứng với các tàu đường sắt đô thị trên thế giới với vận tốc 80 km/h. Tuy nhiên, tốc độ thương mại khoảng 35-38km/h do khoảng cách giữa các ga ngắn và phụ thuộc vào trình độ vận hành của Việt Nam. 

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, sau khi mẫu thiết kế được thành phố Hà Nội phê duyệt, đơn vị thiết kế và thi công của Pháp sẽ bắt đầu sản xuất.

"Kết quả khảo sát cho thấy đa số người dân nhất trí nên tôi hoàn toàn tin tưởng thiết kế sẽ được thành phố phê duyệt để đưa vào triển khai trong thời gian tới", ông Minh nhấn mạnh.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục