Zimbabwe tăng lãi suất lên 200%, mức cao nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương của Zimbabwe đã tăng lãi suất lên mức kỷ lục và chính phủ chính thức đưa đồng đô la Mỹ trở lại làm tiền tệ hợp pháp để kiềm chế lạm phát gia tăng và ổn định tỷ giá hối đoái.
Zimbabwe tăng lãi suất lên 200%, mức cao nhất thế giới

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (27/6), Thống đốc John Mangudya cho biết, Ủy ban chính sách tiền tệ đã tăng hơn gấp đôi lãi suất chủ chốt từ 80% lên 200%. Điều đó đưa mức tăng lãi suất luỹ kế trong năm nay lên 140% và là mức cao nhất trên toàn cầu.

“Ủy ban chính sách tiền tệ đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng lạm phát gần đây. Ủy ban lưu ý rằng sự gia tăng lạm phát đang làm suy yếu nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng và nếu không được kiểm soát, nó sẽ đảo ngược những thành tựu kinh tế đáng kể đạt được trong hai năm qua”, Thống đốc John Mangudya cho biết.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tung ra những gì có thể chứng minh là chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh chóng nhất kể từ những năm 1980 để kiềm chế lạm phát, ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài và sự suy yếu của tiền tệ khi các nhà đầu tư săn lùng lợi tức cao hơn.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Zimbabwe vào tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm do chi phí thực phẩm tăng hơn gấp ba lần. Việc tăng giá được thúc đẩy bởi sự giảm giá mạnh của đồng đô la Zimbabwe, đồng tiền này đã mất hơn 2/3 giá trị trong năm nay và là đồng tiền hoạt động kém nhất của châu Phi.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mthuli Ncube cho biết, chính phủ sẽ lần thứ hai trong hơn một thập kỷ hợp pháp hóa việc sử dụng đồng đô la Mỹ.

“Chính phủ đã tuyên bố rõ ràng ý định duy trì một hệ thống đa tiền tệ dựa trên việc sử dụng kép đồng đô la Mỹ và đô la Zimbabwe. Để loại bỏ đầu cơ và kinh doanh chênh lệch giá dựa trên vấn đề này, chính phủ đã quyết định đưa hệ thống đa tiền tệ và việc tiếp tục sử dụng đồng đô la Mỹ vào luật trong thời hạn 5 năm”, Bộ trưởng Tài chính Mthuli Ncube cho biết.

Các biện pháp được công bố hôm thứ Hai (27/6) là nỗ lực mới nhất của các nhà chức trách nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ kéo dài từ năm 2009, khi đồng đô la Zimbabwe bị loại bỏ để chuyển sang đồng tiền Mỹ sau một đợt siêu lạm phát. Đồng đô la Zimbabwe sau đó trở lại vào năm 2019 và ngay lập tức bắt đầu suy yếu.

Những nỗ lực trước đây nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của đồng tiền Zimbabwe bao gồm lệnh cấm 10 ngày đối với việc cho vay ngân hàng, hạn chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Zimbabwe, cho phép các công ty nộp thuế bằng đồng tiền địa phương và đưa ra một tỷ giá liên ngân hàng mới mà tại đó hầu hết các giao dịch thương mại sẽ diễn ra.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục