Zalo thu phí người dùng: Khách hàng rủ nhau gỡ app, chấm điểm bét bảng

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ vài ngày sau khi áp dụng chính sách thu phí, ứng dụng Zalo đã phải nhận không ít “gạch ngói” từ người dùng.
Trên nhiều diễn đàn bán hàng online, chủ đề Zalo thu phí nhận được hàng chục ngàn bình luận phản đối. Trên nhiều diễn đàn bán hàng online, chủ đề Zalo thu phí nhận được hàng chục ngàn bình luận phản đối.

Chính thức thu phí

Sau thời gian thăm dò thị trường, Zalo đã chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Zalo vẫn phát hành một phiên bản miễn phí, nhưng bị giới hạn về mặt tính năng. Cụ thể, từ ngày 1/8, Zalo thông báo thu phí với 3 gói gồm Standard (2.800 đồng/ngày), Pro (5.500 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày).

Nhưng điều đáng nói là ở bản miễn phí, thay vì để nguyên như trước để phục vụ hàng chục triệu thuê bao chưa có điều kiện trả phí, thì Zalo lại giở thủ thuật, "bóp" khá nhiều tính năng đối với phiên bản miễn phí.

Theo đó, nếu không sử dụng bản trả phí, người dùng sẽ bị giới hạn danh bạ tối đa chỉ 1.000 liên hệ. Ngoài ra, tài khoản miễn phí còn gặp những hạn chế: mỗi tài khoản chỉ được trả lời tin nhắn từ người lạ 40 tin mỗi tháng; sẽ không sử dụng được username; chỉ có 5 tin nhắn nhanh… Bên cạnh đó, người lạ cũng sẽ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký, số lượng tìm kiếm người khác qua số điện thoại cũng giới hạn còn 40 lần.

Không chỉ là vấn đề thu phí, Zalo không phải là ứng dụng độc quyền có nhiều tính năng ưu việt. Trên thị trường còn có hàng loạt ứng dụng miễn phí, thậm chí còn có ưu thế hơn Zalo về bảo mật, lưu trữ, tính năng như Telegram, Viber, Skype, Whatsapp.

Điểm yếu của Zalo là lưu trữ dữ liệu. Zalo sẽ xóa những tệp tin gửi sau một thời gian nhất định mà không tự động lưu trữ như các ứng dụng khác. Điều này có nghĩa, các file dữ liệu, ảnh, video sẽ tự động xóa sau một thời hạn. Việc mất dữ liệu khiến khách hàng không mấy hài lòng suốt thời gian qua.

Chính vì vậy, như đã dự báo trước, khi Zalo tiến hành thu phí, "bóp tính năng" với người dùng phổ thông, gây ra một làn sóng phản ứng của người dùng.

Khách hàng phản ứng

Vài ngày sau khi Zalo thu phí, phần mềm Zalo trên kho ứng dụng Play Store (dành cho Android của Google) bị khách hàng vào chấm điểm 1 sao và để lại nhiều ý kiến bức xúc.

"Zalo thu phí thì dẹp", "Đừng sử dụng ứng dụng này", "Một trong những phần mềm tệ nhất tôi từng dùng và giờ đây họ còn muốn thu phí. Tôi thật sự khuyên mọi người xóa đi"… là một số ý kiến phản hồi của dùng khi đánh giá trên Play Store.

Việc khách hàng đánh giá ứng dụng với điểm số tối thiểu (1 sao) trên kho ứng dụng thường xảy ra trong thời gian gần đây. Theo đó, khi khách hàng không hài lòng với thay đổi hoặc thông tin mới từ nhà cung cấp dịch vụ, họ thường có xu hướng cùng nhau đánh giá thấp và bình luận tiêu cực. Trước đây, không ít ứng dụng đang có chỉ số tốt từ trên 4,2 - 4,5 sao tổng, đã nhanh chóng bị tụt xuống còn 2 sao, thậm chí 1 sao vì những hành động như vậy.

Không chỉ hạ thấp điểm đánh giá trên kho ứng dụng, trên fanpages của Zalo cũng xuất hiện các bình luận tiêu cực của người dùng, dù trang này có rất ít hoạt động trong mấy năm qua.

Còn trên nhiều diễn đàn bán hàng online, chủ đề Zalo thu phí nhận được hàng chục ngàn bình luận phản đối. Phần lớn bình luận chỉ trích chính sách thu phí của Zalo và rủ nhau gỡ ứng dụng. Hiện chưa có số liệu chính xác lượt tải về của ứng dụng Zalo tăng hay giảm của mấy ngày qua.

Ở góc độ khách hàng doanh nghiệp, ông Lê Quang Tùng, chủ một shop bán hàng online ở đường Xuân Thủy (Hà Nội) cho biết, hàng tháng shop của ông chi khoảng 10 triệu đồng cho Zalo để quảng cáo, tiếp cận khách hàng, nhưng gần đây việc quảng bá trên kênh Zalo, Facebook đã không còn hiệu quả như trước. Nếu Zalo "bóp tính năng", khiến nhiều người dùng chuyển sang các nền tảng khác thì đương nhiên, việc tiếp cận khách hàng càng hạn chế. “Tôi đang tính chuyện bỏ quảng cáo trên kênh mạng xã hội, chuyển sang phương thức khác”, ông Tùng cho biết.

Chị Hoàng Lê Hoa, chủ shop thời trang có gian hàng trên Zalo nhận xét, rất bất ngờ khi buổi sáng dậy, mở Zalo đã thấy tắt nhiều tính năng của khách hàng và họ đã phải gọi điện, thay vì nhắn tin, gửi ảnh mua hàng như trước.

“Thực sự việc này khá ảnh hưởng đến doanh nghiệp vì chúng tôi không biết ai bị tắt tính năng cả. Họ không liên lạc được sẽ chuyển sang mua của người khác, chúng tôi sẽ mất khách hàng. Chưa kể đến hiệu quả chạy quảng cáo trên Zalo cũng chưa cao như kỳ vọng. Có lẽ, tôi sẽ thiết lập lại kênh liên lạc với khách hàng qua Telegram hoặc Viber, bởi các ứng dụng đang miễn phí với đầy đủ các tính năng như Zalo", chị Hoa chia sẻ.

Hiện Zalo vẫn chưa có phản hồi gì về các động thái của người dùng.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha (của Viettel) xấp xỉ 591 MB, chiếm 58,84% toàn thị trường, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (Messenger, Viber và Telegram).

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục