Yếu tố cốt lõi quyết định việc đầu tư là gì?

(ĐTCK) Thống kê sơ bộ của Công ty Chứng khoán Vietinbank gần đây cho biết, có đến 95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thua lỗ hoặc hòa vốn, chỉ có 5% nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ thị trường. Ngoài những rủi ro khách quan nhà đầu tư không thể kiểm soát được, liệu có lý do gì xuất phát từ chủ quan, từ quan điểm về cách lựa chọn của nhà đầu tư?  
Yếu tố cốt lõi quyết định việc đầu tư là gì?

Chọn tài sản tạo ra dòng tiền

Nhà đầu tư huyền thoại Seth Klarman đã nêu định nghĩa cô đọng, nhưng có giá trị bao quát về đầu tư vào các tài sản, đó phải chọn những tài sản “tạo ra dòng tiền trong tương lai”.

Theo định nghĩa này, khi mua các tài sản như vàng, bất động sản, ngoại tệ, cổ phiếu…, nhằm mục đích bán đi hưởng chênh lệch giá thì đó có thể coi là hoạt động đầu cơ tài sản.

Còn khi dùng vàng, ngoại tệ để cho vay hưởng lãi suất định kỳ, khai thác cho thuê bất động sản, nắm giữ cổ phiếu lâu dài, đó được coi là đầu tư.

Một cách tiếp cận khác là tìm ra những công ty có “tài sản ngầm” có giá trị hơn hẳn những gì bề nổi, hoặc công ty có vốn hóa thị trường thấp hơn cả mức vốn lưu động ròng để đầu tư.

Nhưng sai lầm “chết người” mà những nhà đầu tư thường mắc phải đó là việc không tính toán được thời điểm hiện thực hóa những tài sản đó và giá trị của các tài sản tại thời điểm chuyển thành tiền.

Một cách tiếp cận dễ gây nhầm lẫn nữa là việc so sánh vốn hóa thị trường của doanh nghiệp với tổng giá trị xây dựng nên những tài sản là nhà máy, máy móc thiết bị…. của doanh nghiệp đó.

Những quan điểm sai lầm trong lựa chọn tài sản đầu tư đã làm nhiều người mất tiền, trong khi nguyên nhân căn bản xuất phát từ sự lựa chọn của chính mình.

Dự án Cocobay Đà Nẵng của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) không thể tiếp tục trả lãi cho nhà đầu tư với mức lãi suất 12%/năm một lần nữa cho thấy “không có miếng pho-mát nào miễn phí”.

Nếu chỉ việc vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, đầu tư và hưởng chênh lệch thì rủi ro chắc chắn phải nằm ở đầu ra của sản phẩm định đầu tư.

Chỉ kỳ vọng vào dòng tiền thôi đã là việc khó, nhưng chủ đầu tư còn kỳ vọng vào sự tăng giá của condotel, vốn không thể kiểm soát được.

Như vậy, bản chất của việc kỳ vọng tăng giá tài sản này là đầu cơ và việc đầu tư với nguồn trả lãi từ nền tảng đầu cơ là điều không bền vững.

Khi xem xét một tài sản, căn bản là tính thanh khoản và giá thị trường của tài sản đó trong giai đoạn hiện tại, nhưng vốn hóa lại chính là định giá của doanh nghiệp đó tại một thời điểm cụ thể.

Nếu tài sản không được đưa vào vận hành để tạo ra dòng tiền thì giá giao dịch sẽ ngày càng suy giảm.

Yếu tố cốt lõi quyết định việc đầu tư là gì? ảnh 1

Dự án Nhà máy nhiệt điện than Thái Bình 2 (1.200 MW) bị gián đoạn hơn 3 năm, đội vốn  từ 31.000 tỷ đồng lên 42.000 tỷ đồng và giá trị tài sản đang sụt giảm vì khấu hao một cách nhanh chóng, đồng thời chi phí lãi vay, chi phí trả nợ và vận hành vẫn phải duy trì là một minh chứng cho việc này.

Các công ty ngành điện, nước đều thuộc dạng xây dựng một lần và thu phí lâu dài cũng tương tự như các mô hình khác như trạm thu phí, công viên nước…

Đặc điểm chung của loại doanh nghiệp này là đầu ra được đảm bảo ở mức độ cao do đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống, vì vậy, dòng tiền dài hạn trong tương lai có thể ước tính một cách tương đối chắc chắn.

Với các công ty này, giá trị sẽ phụ thuộc vào dòng tiền và hiệu quả hoạt động, nhưng nhà đầu tư cần phần biệt hai trường hợp như sau:

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp có dự án đã vận hành lâu năm (trên 10 năm) và không có đầu tư mới thì các chỉ tiêu về dòng tiền, hiệu quả tài chính trong mối tương quan với vốn hóa thị trường có khả năng duy trì ổn định. Đặc biệt, đối với những nhà máy đã khấu hao gần hết thì hiệu quả tính toán theo nguyên tắc kế toán sẽ tăng, tuy nhiên dòng tiền tự do sẽ nhỏ lại.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp phải sửa chữa định kỳ lớn hoặc xây mới dự án thì tạm thời dòng tiền tự do và lợi nhuận sẽ sụt giảm tác động lên bức tranh tài chính chung của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thời gian dài để xây dựng cũng như đưa nhà máy vào trạng thái tối ưu công suất.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những giai đoạn phát triển khác nhau, từ đó, có những bức tranh tài chính khác nhau tại mỗi thời điểm, nhưng trong dài hạn, các ngành tiện ích có tính chất “phòng thủ” này sẽ có mức cổ tức nhìn chung là cao và đều đặn.

Một số công ty có thể chia hầu như toàn bộ lợi nhuận tạo ra trong một giai đoạn, tỷ suất cổ tức bằng tiền này cũng là một trong những nhân tố cấu thành giá trị nội tại của các doanh nghiệp.

Trong cùng một ngành nhưng lựa chọn doanh nghiệp nào để đầu tư là câu chuyện không đơn giản.

Nếu chọn công suất, sản lượng nhà máy để xem xét thì phải cân nhắc thêm hệ số công suất, suất tiêu hao nhiên liệu và các biến số tài chính khác ảnh hưởng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp như giá nguyên liệu và cấu trúc giá bán điện đầu ra, vị trí địa lý…

Việc lựa chọn thời điểm thích hợp để đầu tư vì những ý tưởng đầu tư tốt, nhưng sai thời điểm vẫn có thể trở thành những ý tưởng tệ hại.

Cũng cần chú ý thêm mức định giá phổ biến của các doanh nghiệp trong ngành, chẳng hạn với ngành điện là từ 1 - 2 lần giá trị sổ sách của vốn cổ phần.

Chọn mô hình kinh doanh - con người vận hành - giá cả doanh nghiệp

Một trong những tài sản phổ biến và có giá trị nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa là bất động sản.

Trên sàn không thiếu các doanh nghiệp có gốc nhà nước, sở hữu những khu đất “vàng” tại các vị trí rất đẹp, khiến việc định giá khi IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán có giá rất cao.

Tuy nhiên, sau đó thị giá cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp không ngừng giảm theo hiệu quả kinh doanh chính bết bát.

Khi vốn hóa của doanh nghiệp xuống đến mức nào đó, nhà đầu tư dễ cho rằng, vốn hóa đã ở mức thấp hơn giá trị của miếng đất mà doanh nghiệp sở hữu, nhưng quên mất rằng, để miếng đất đó sinh lời hoặc chuyển thành tiền, còn cần rất nhiều yếu tố khác.

Quá trình “đảo ngược giá trị” trước và sau khi lên sàn xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, khi hiệu quả kinh doanh chính thua lỗ, trong khi “đất vàng”, “đất bạc” không cách nào tạo ra dòng tiền…

Như đã đề cập, một tài sản khi không tạo ra dòng tiền thì không thể được gọi là đầu tư.

Trên thực tế, những nhà đầu tư mua và kỳ vọng rằng, vì giá đất không ngừng tăng, nên kéo theo giá cổ phần của doanh nghiệp “sẽ được định giá đúng”, sẽ tăng, đã phải chịu nhiều mất mát.

Tóm lại, kinh nghiệm từ các nhà đầu tư thành công cho thấy, không phải là chọn tài sản, mà một quy trình đầu tư chuẩn cần các nhân tố cân nhắc theo thứ tự như sau: mô hình kinh doanh - con người vận hành - giá cả doanh nghiệp.

Đây chính là lý do rất nhiều nhà đầu tư mắc sai lầm khi tính toán quá nhiều con số để tìm ra giá cả của doanh nghiệp, mà quên đi các nhân tố định tính quan trọng khác.

Hiểu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp với những đặc thù riêng cùng phương pháp đầu tư phù hợp sẽ giúp nhà đầu tư có thêm niềm tin và giảm dần xác suất thua lỗ.

VOT partners (www.votpartners.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục