Công việc của một chuyên viên phân tích tài chính là tổng hợp và phân tích các thông tin tài chính, phân tích xu hướng và đưa ra các dự báo, thu thập các bảng thống kê, báo cáo kinh doanh, số liệu tài chính và đưa ra các báo cáo nhằm tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng...
Thông qua các báo cáo phân tích ngành, nhà đầu tư có thể nắm bắt được bức tranh tổng thể về sự phát triển của ngành, triển vọng và thách thức của ngành đặt trong mối tương quan với cả khu vực và thế giới.
Nhà đầu tư cũng nắm bắt được thông tin tài chính và cả phi tài chính về từng doanh nghiệp trong ngành, để từ đó có thông tin tham khảo cho các quyết định đầu tư của mình.
Kỹ năng về toán học, kinh tế vi mô, tư duy logic chỉ là điều kiện cần của người làm nghề phân tích tài chính, nghề chuyên làm việc với các con số.
Song kỹ năng mềm với yêu cầu về những kiến thức đa ngành, khả năng dự đoán và độ nhạy với thị trường cũng vô cùng cần thiết. Yêu cầu của công ty là chuyên viên phân tích phải nhạy bén nhận biết được các xu hướng tài chính, nhanh nhạy với những biến động dù là lớn hay nhỏ của nền kinh tế, xã hội.
Ðiều này đòi hỏi người làm nghề phải luôn cập nhật thật nhiều tin tức, thông tin về các ngành, xu hướng của thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, thậm chí kiểm tra chéo cả nhiều nguồn tin không chính thức.
Có như vậy, các nhà đầu tư mới có thể tìm thấy ở các bản báo cáo này những thông tin hữu ích và ra quyết định hợp lý khi chốt lãi, cắt lỗ ở mã này và tái cơ cấu sang mã khác…
Chuyên viên phân tích của CTCK thường phải thành thạo cả phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, phân tích dữ liệu với cổ phiếu, với các ngành.
Với phân tích cơ bản, chuyên viên phải có yêu cầu cơ bản về bằng cấp chuyên môn và kỹ năng. Thông thường, các chuyên viên phân tích khi mới vào sẽ phải mất một thời gian tương đối để tìm hiểu về ngành và doanh nghiệp.
Ở một số công ty chứng khoán, lãnh đạo yêu cầu khá khắt khe. Ðể một báo cáo phân tích đến tay khách hàng, các chuyên viên phải viết, thuyết trình và bảo vệ quan điểm trong nội bộ phòng, nội bộ công ty.
Báo cáo lập xong không được phát hành là câu chuyện khá quen thuộc đối với chuyên viên phân tích.
Nếu thông tin, quan điểm trong báo cáo không thuyết phục được các nhân sự khác ngay trong nội bộ công ty thì báo cáo không được phát hành.
Tất nhiên, bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu thông tin và viết, nếu báo cáo không được phát hành thì rất buồn, nhưng vì lợi ích của khách hàng và uy tín của công ty, các chuyên viên cũng phải quen với điều này và xem đó là động lực để phấn đấu.
Chất lượng thông tin mà công ty chứng khoán cung cấp đến nhà đầu tư được coi là một vũ khí cạnh tranh của công ty chứng khoán bởi với nhà đầu tư, thông tin là tiền, thậm chí là rất nhiều tiền.
Cứ hỏi nhiều nhà đầu tư bám sàn sẽ thấy, thông tin đúng, trúng, kịp thời hữu ích như thế nào.
Thắng lợi là kết quả tổng hợp từ nhiều yếu tố, nhưng trong nhiều trường hợp, trước khi quyết định xuống tiền mua cổ phiếu nào đó, nếu được tiếp cận một báo cáo phân tích đầy đủ, cập nhật về doanh nghiệp, sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những cú thua lỗ.
Bởi vậy ở nhiều công ty báo cáo phân tích không được cung cấp miễn phí rộng rãi ra thị trường mà chỉ có khách hàng mở tài khoản ở công ty chứng khoán được tiếp cận với dữ liệu này.
Tuy vậy, ở một thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hoàn thiện, vàng thau lẫn lộn, độ lệch thị trường lớn, rất khó để gắn được công việc của tư vấn với giá trị tài sản của khách hàng, để đo đếm được hiệu quả công việc của chuyên viên phân tích vì thông tin tư vấn đa phần là miễn phí. Chuyên viên tư vấn chưa có nhiều động lực để nỗ lực ở mức tối đa.
Trải qua một năm 2019 nhiều trầm lắng của thị trường chứng khoán. Năm 2020 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn, thị trường sẽ thu hút một lượng nhà đầu tư mới tham gia bỏ vốn đầu tư.
Vai trò của các chuyên viên phân tích tài chính là quan trọng bởi chỉ khi thị trường có đội ngũ tư vấn có đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, và cả sự quản lý chất lượng của các công ty chứng khoán, mới có thể cùng nhau góp phần phát triển thị trường một cách bền vững.