Tại văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 121/NQ-CP và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Văn phòng Bộ Công thương cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng, dầu để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ cũng giao Cục Phòng vệ thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để ngăn chặn gian lận thương mại, tránh việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván ép gỗ cứng từ Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than cần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn điện, lưới điện theo quy định của pháp luật; tính toán chặt chẽ cân đối cung cầu điện năng tiêu thụ để chủ động phương án sản xuất, nhập khẩu điện phù hợp; chủ động các nguồn điện thay thế trong trường hợp thiếu nước cho thủy điện.
Các đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thực hiện quản lý nhà nước để sớm đưa vào vận hành các dự án.
Tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 27/9/2022 cũng nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Giá xăng dầu trong những ngày gần đây liên tục được điều chỉnh giảm theo giá thế giới. Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu 15h ngày 3/10/2022, giá xăng đã giảm mạnh hơn 1.100 đồng/lít, đưa RON 95-III còn 21.443 đồng/lít và giá xăng E5 RON 92 cũng giảm còn 20.732 đồng/lít. Dầu điêzen 0.05S về 22.208 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 21.688 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 4 liên tiếp trong hơn 1 tháng qua Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên.