Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 235/TB-VPCP ngày 21/6/2023 về kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp về chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công thương diễn ra ngày 20/6/2023.
Theo kết luận của Phó thủ tướng, Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan tại cuộc họp; chủ trì, phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công thương dưới hình thức Công ty TNHH MTV theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.
Trong đề án này cũng được yêu cầu đánh giá đầy đủ các tác động, vướng mắc có thể phát sinh, giải pháp khắc phục, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia liên tục, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia, giữ vững an ninh năng lượng cho đất nước.
Bộ Công thương tiếp tục tăng cường công tác giám sát thường xuyên, trực tiếp và toàn diện với A0 theo quy định cho tới khi hoàn thành việc chuyển A0 về Bộ Công thương, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia phải hiệu quả, công khai, minh bạch, khai thác vận hành tối ưu hệ thống điện quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Tại văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6/2023.
Ngày 14/6/2023, Bộ Công thương có Tờ trình 3711/TTr-BCT hoả tốc liên quan tới việc chuyển A0 đang ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ này.
Cụ thể, theo đề nghị của Bộ Công thương, sẽ cần phải rà soát Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN để bỏ nội dung “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia” khỏi danh mục các ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, bỏ A0 khỏi danh sách các đơn vị trực thuộc EVN.
Đồng thời, trong Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, cần phải bổ sung, làm rõ thêm chức năng “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia”.
Cũng để đảm bảo A0 tiếp tục hoạt động ổn định, tránh xáo trộn có thể ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, cần có lộ trình phù hợp để chuyển nguyên trạng các tài sản, nhân sự hiện nay sang Bộ Công Thương theo các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định hiện hành của pháp luật; ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, các cơ chế đặc thù về chi phí duy trì hoạt động của đơn vị, chế độ tiền lương, phụ cấp cho các nhân sự trực tiếp sản xuất của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương.
Đặc biệt là kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cấp bổ sung nguồn kinh phí cho Bộ Công Thương để duy trì hoạt động của đơn vị và trả lương cho các nhân sự trực tiếp sản xuất tại đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương theo hướng đảm bảo các chế độ tài chính và mức lương như hiện tại.
Cũng trong báo cáo của mình, Bộ Công thương có nhắc tới việc bình quân lương bộ phận trực tiếp sản xuất tại A0 là khoảng 40 triệu/người/tháng.
Sở dĩ có mức lương cao này là bởi các nhân sự nhân sự giữ chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện tại A0 có áp lực công việc rất nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm ngàn thiết bị điện cao áp khác nhau, trong quá trình làm việc phải từ các quyết định thật nhanh, chính xác và không được phép sai sót. Bởi mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao hoặc gây mất điện diện rộng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng các nhân viên khác.
Bộ phận người lao động nói trên được tuyển dụng với yêu cầu cao (có bằng đại học chuyên ngành ở mức khá, giỏi trở lên) được đào tạo chuyên sâu (từ 12-18 tháng) và phải qua kiểm tra kỹ lưỡng, khi đạt yêu cầu mới được phép bố trí công việc, gồm các vị trí: điều độ viên hệ thống điện quốc gia, kỹ sư tính toán hệ thống điện quốc gia, kỹ sư điều hành giao dịch thị trường điện, điều độ viên hệ thống điện miền, kỹ sư tính toán hệ thống điện miền, kỹ sư SCADA...
Cũng bởi điện là hàng hóa đặc biệt, phải luôn cân bằng giữa sản xuất (nguồn cung) và tiêu thụ (nhu cầu), nên các chức danh này có trách nhiệm đảm bảo vận hành hệ thống điện từng giây, từng phút suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Cạnh đó, thị trường điện đã vận hành cũng thực hiện khớp lệnh 30 phút/chu kỳ trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ (chu kỳ này có thể xuống còn 15 phút hoặc 5 phút như các nước có thị trường điện phát triển khi cơ sở hạ tầng đáp ứng).
Đây là lực lượng nhân viên kỹ thuật tối quan trọng đối với vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện, cần phải duy trì ổn định và không dễ dàng thay thế do phải mất thời gian xấp xỉ 2 năm (kể cả thời gian tuyển dụng, đào tạo và tập sự chức danh) mới có thể có nhân sự mới.
Vì vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng, trong trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương và phụ cấp tương đương với mức hiện hưởng để đảm bảo tránh xáo trộn về nhân lực của A0 dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.
Bộ Nội vụ đề xuất chọn phương án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV thuộc Bộ Công thương
Theo đó, việc lựa chọn mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giao Bộ Công thương làm đại diện chủ sở hữu là phù hợp và tạo điều kiện doanh nghiệp này tham gia thị trường điện lực theo quy định của Luật.
Bộ Nội vụ khẳng định, việc thành lập A0 (đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN) là một trong các nội dung, bước đi của lộ trình xây dựng, hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam theo Quyết định số 63/2013/QĐTTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, bảo đảm phù hợp Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Theo Quyết định số 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 thì A0 sẽ được chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN.
Định hướng này tiếp tục được thể hiện tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020.
Về cơ sở thực tiễn, theo Bộ Nội vụ, qua quá trình thành lập và phát triển, A0 đã đáp ứng đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiến tới hoạt động độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán điện và bên mua điện, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2025.
Nội dung này đã được thể hiện trong Đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện do EVN nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện thuộc Bộ Công Thương, hoạt động độc lập với bên bán điện và bên mua điện chỉ thay đổi về đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bảo đảm phù hợp với lộ trình, yêu cầu tại Quyết định số 168/QĐ-TTg, tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện theo quy định của Luật Điện lực”, Bộ Nội vụ nêu.
Bên cạnh đó, A0 hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều độ hệ thống điện lực quốc gia (điều này rất khó thực hiện nếu lựa chọn chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập), bảo đảm phù hợp với cơ chế điều hành giá, phí.