Y tế Việt Mỹ (AMV) chuyển dịch sang dịch vụ y tế: Đâu là lý do?

(ĐTCK) Năm 2019, 60% doanh thu của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) đến từ mảng dịch vụ và dự báo sẽ tăng lên 80% trong năm 2020. 

Đây là sự chuyển dịch cơ cấu doanh thu đáng chú ý, bởi năm 2018, mảng này chỉ mới đóng góp khoảng 5% doanh thu, còn lại chủ yếu là từ mảng cung cấp trang thiết bị y tế (TTBYT).

Theo định hướng hoạt động của AMV, “cái gốc” vẫn đi từ hoạt động lõi là cung cấp TTBYT nhưng Công ty sẽ triển khai ứng dụng công nghệ cao, cung cấp chuyên sâu về dịch vụ nhiều hơn. Mảng dịch vụ mà AMV hướng đến bao gồm cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông qua trung tâm xét nghiệm tập trung, trung tâm điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF, dịch vụ PACS - hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh thực tế.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng vốn đầu tư thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, đến năm 2016 là 950 triệu USD và đạt 1,1 tỷ USD năm 2017.

Nhiều tổ chức dự báo, triển vọng phát triển của ngành thiết bị y tế Việt Nam là rất khả quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang gặp phải tình trạng quá tải khi số giường bệnh/1 vạn dân ở Việt Nam hầu như không tăng trong 3 năm qua, trong khi công suất sử dụng giường bệnh ngày càng tăng. Do vậy, nhu cầu về hiện đại hóa các cơ sở và thiết bị y tế ngày càng cấp bách hơn.

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo AMV, sau khi sàng lọc, Công ty quyết định thiên về thiết bị đi sâu vào xét nghiệm. Hiện AMV là doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai hình thức trung tâm xét nghiệm tập trung và đã có 3 trung tâm tại tỉnh Phú Thọ. Tiếp theo, Công ty sẽ triển khai kết nối trung tâm xét nghiệm tập trung với các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Cần lưu ý, khoa xét nghiệm đóng góp khoảng 30 - 40% doanh thu cho bệnh viện/cơ sở y tế. Riêng doanh thu xét nghiệm bệnh lao đã có quy mô doanh thu 1 - 2 tỷ USD/năm, doanh thu xét nghiệm tiểu đường 0,3 - 0,4 tỷ USD/năm. Đây là lý do chính khiến AMV đi sâu vào mảng xét nghiệm, ngoài cung cấp TTBYT thì vật tư tiêu hao cũng đóng góp tỷ trọng rất lớn.

Chưa kể, doanh thu từ các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh từ 0,15 - 0,2 tỷ USD/năm cũng sẽ là mảng đóng góp không nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận của AMV các năm tới. Thống kê cho thấy, mỗi năm, chi phí in phim vào khoảng 170 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng/năm) và hiện chỉ có rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được đúng nghĩa các tiêu chuẩn về PACS.

Thực tế, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã chuyển sang không in phim từ vài chục năm trước. Mới đây, Thái Lan cũng đã chuyển sang lưu trữ bằng hệ thống công nghệ thông tin, chỉ còn khoảng 2 - 3% là sử dụng phim ảnh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn sử dụng 100% phim ảnh. Bộ Y tế đã sớm nhận diện và định hướng cần phải chuyển đổi sang PACS để tránh lãng phí, dễ quản lý, dễ thanh toán. Đây cũng là xu hướng của thời đại và qua đó cho thấy, dư địa để phát triển trong mảng này còn rất lớn.

Trong bối cảnh này, AMV đã triển khai PACS tại 40 - 50 bệnh viện và có tham vọng sẽ chiếm được từ 20% - 30% thị phần trong miếng bánh thị trường 4.000 tỷ đồng này.

Bên cạnh đó, hoạt động tiềm năng khác của AMV chính là Trung tâm điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm theo công nghệ IVF của Nhật Bản.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới. Nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội chỉ ra rằng, tình trạng vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa, có đến 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 20 - 35 ngàn cặp vợ chồng điều trị, với chi phí điều trị khoảng 60 - 80 triệu đồng/chu kỳ. Các con số này cho thấy, nhu cầu về điều trị hiếm muộn tại Việt Nam đang ngày một tăng cao khi hiện nay có khoảng 1 triệu ca hiếm muộn, nhưng chỉ 5% được điều trị.

Tỷ lệ IVF thành công trung bình vào khoảng 40 - 50%, nhưng theo chia sẻ của AMV, với phương pháp mới mang về Việt Nam - là phương pháp gần với tự nhiên nhất, có thể mang đến tỷ lệ thành công tới 99%. Đây cũng là công nghệ lần đầu tiên vào Việt Nam và đáp ứng được nhu cầu cao trong thực tế.

Với chiến lược chuyển trọng tâm hoạt động sang mảng dịch vụ nhiều tiềm năng phát triển, biên lợi nhuận cao hơn hẳn so với thương mại đơn thuần, đặc biệt là phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của ngành và chủ trương của Chính phủ - đây là bối cảnh “thiên thời, địa lợi” cho sự tăng trưởng của AMV trong thời gian tới.   

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục