Xung lực mới từ các dự án bất động sản công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Được đầu tư bài bản, xung quanh các địa bàn công nghiệp lớn như Hà Nội, TP.HCM, các dự án khu công nghiệp (KCN) mới được chờ đợi sẽ tăng cường nguồn cung, tạo thêm xung lực cho thị trường.
Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam được đánh giá rất giàu triển vọng. Ảnh: Lê Toàn Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam được đánh giá rất giàu triển vọng. Ảnh: Lê Toàn

Quy tụ về vùng vệ tinh

Ở phía Bắc, KCN Gia Lộc và 2 khu nhà xưởng là những dự án rất được chờ đợi, để bổ sung nguồn cung quan trọng cho thị trường.

Dự án KCN Gia Lộc (Hải Dương) có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 197,94 ha, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (thành viên của TNI Holdings Vietnam) làm chủ đầu tư.

Bà Phạm Hồng Thúy, Tổng giám đốc TNI Holdings Vietnam chia sẻ, KCN Gia Lộc là một trong những dự án được TNI Holdings Vietnam rất chú trọng. Đây là KCN có vị trí chiến lược, nằm trên trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho phép kết nối thuận tiện đến sân bay quốc tế Nội Bài, cảng Đình Vũ (Hải Phòng), cảng biển nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) và các tỉnh, thành phố trọng điểm lân cận.

Theo JLL Việt Nam, nguồn cung bất động sản công nghiệp phía Bắc trong năm 2022 hứa hẹn sẽ dồi dào, khi các tỉnh giáp Hà Nội đều có kế hoạch triển khai các KCN trên địa bàn. Đáng chú ý, ở phân khúc nhà xưởng xây sẵn, 2 dự án nổi bật dự kiến ra mắt trong năm nay là Khu nhà kho và nhà xưởng xây sẵn giai đoạn I của liên doanh KTG - BKIM tại KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) và Khu nhà xưởng xây sẵn giai đoạn III của BW Industrial tại VSIP Hải Dương. Hiện nay, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tại phía Bắc hạn chế, nên 2 dự án này đang rất được kỳ vọng.

Khu nhà kho và nhà xưởng xây sẵn giai đoạn I của liên doanh KTG - BKIM bao gồm nhà kho, nhà xưởng cho thuê với diện tích đa dạng (2.200 - 4.400 - 8.900 m2), bao gồm cả văn phòng. Chính sách miễn thuế mà chủ đầu tư đang giới thiệu là miễn thuế trong 2 năm đầu cho khách thuê; giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo. Khu vực công nghệ cao có mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm.

Ở phía Nam, KCN Phú An Thạnh (3,4 ha, 2 giai đoạn, tổng diện tích cho thuê 90.516 m2) đã được khởi công tại Long An. Theo kế hoạch, khoảng 45.000 m2 cho thuê của KCN Phú An Thạnh sẽ được bàn giao vào đầu quý IV/2022. Chủ đầu tư dự án này đã đầu tư thiết kế hướng đến một sản phẩm bất động sản công nghiệp linh hoạt và tiện nghi đa chức năng.

Từ nay đến cuối năm 2022, ngoài Long An, nguồn cung bất động sản công nghiệp phía Nam sẽ có thêm xung lực mới khi Bình Dương và Đồng Nai có thêm 2 KCN mới là VSIP III và Amata Long Thành hoàn thành hạ tầng, sẵn sàng cho thuê, theo CBRE Việt Nam.

Được khởi công vào tháng 3 năm nay, VSIP III tại Bình Dương có quy mô tới 1.000 ha và được xác định là nguồn cung quan trọng cho thị trường phía Nam, còn Amata Long Thành đang xây dựng các tuyến đường chính trong KCN, đường nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ngay trong thời gian xây dựng, các chủ đầu tư đã gặt hái được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Đơn cử, VSIP III đã thành công trong thu hút khách thuê lớn như LEGO với dự án quy mô tới 1 tỷ USD.

Sẵn nguồn cung đón khách

JLL Việt Nam nhận định, năm 2022, việc mở cửa đường bay, áp dụng hộ chiếu vắc-xin để phục hồi kinh tế cùng với nỗ lực thu hút đầu tư từ các địa phương, thị trường công nghiệp phía Bắc sẽ tiếp tục là lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Khu vực này cũng sẽ chứng kiến nguồn cung tăng lên đáng kể từ những dự án mới.

Điển hình phải kể đến KCN Xuân Cầu đã được Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với đó, các KCN Bình Giang 2, Thanh Hà, Kim Thành đã được bổ sung vào quy hoạch KCN của Hải Dương. Tại Hưng Yên, KCN số 5 đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.

Trong khi đó, thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam cũng tiếp tục có bước phát triển. Theo CBRE Việt Nam, trong quý I/2022, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN ở 4 tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm phía Nam đạt 89,9%.

Xét về nhu cầu theo ngành, nhóm ngành kho vận và điện tử đang rất sôi động với các hoạt động thuê đất công nghiệp và kho/xưởng hiện hữu để sử dụng tại cả miền Bắc và miền Nam. Ngoài ra, các nhóm ngành như nội thất và thiết bị y tế tại miền Nam đang nổi lên với nhiều giao dịch thành công gần đây.

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022: “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới”

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 (Vietnam Industrial Property Forum - VIPF 2022) với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới”, do Báo Đầu tư phối hợp BW Industrial tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ diễn ra vào lúc 8h00 thứ Ba, ngày 24/5/2022 tại Mai House Sài Gòn, số 1 - Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM.

Diễn đàn sẽ công bố Báo cáo Tổng quan về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; đánh giá triển vọng, xu hướng phát triển các sản phẩm bất động sản công nghiệp chuyên biệt trong thời gian tới; phân tích các rào cản có thể ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư, thảo luận giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, đón đầu những cơ hội mới. Các giải pháp kiến tạo hệ sinh thái; xây dựng, quản lý, vận hành nhà xưởng khu công nghiệp theo mô hình phát triển xanh… cũng sẽ được chia sẻ.

Sự kiện được livestream qua Fanpage, YouTube và các ấn phẩm điện tử của Báo Đầu tư.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục