Trong đó, Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sao Mai Solar PV1 (huyện Tịnh Biên, An Giang) có tổng công suất 210 MW, giai đoạn I là 104 MW, đã đóng điện thành công.
Còn Nhà máy Sao Mai Solar PV2 tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có công suất 50MW.
Tập đoàn Sao Mai sẽ góp phần bổ sung vào nguồn quỹ điện mặt trời 2.500 MW như Bộ Công thương đã dự kiến trong tháng 6.
Riêng giai đoạn II của Sao Mai Solar PV1 sẽ được nhà đầu tư khẩn trương xây dựng vào 2020. Khi ấy, lượng điện năng sản xuất của Nhà máy này sẽ đạt hơn 302 triệu KWh/năm.
Trong 10 năm tới, các nhà máy điện mặt trời Sao Mai sẽ có tổng công suất phát điện ước đạt trên 3 tỷ KWh/năm, đảm bảo cung ứng nguồn chủ lực cho EVN.
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 5/2019, cả nước đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Chỉ trong 3 tháng gần đây, đã đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy - một kỷ lục trong lịch sử ngành điện. Chỉ riêng Sao Mai Group có cùng lúc 2 nhà máy tham gia vào ngành năng lượng tái tạo đã cho thấy lĩnh vực mới này tạo xung lực mới cho thị trường điện mặt trời, kể cả với sự tăng tốc ráo riết của các doanh nghiệp.
Dự đoán trước tình hình và cũng là xu thế chung của ngành năng lượng thế giới, cách nay nhiều năm, Sao Mai đã có kịch bản chiến lược lấn sân sang lĩnh vực điện mặt trời. Giữa năm 2017, phối hợp cùng Koyo Corp (Nhật Bản), tập đoàn này đã đóng điện thành công Nhà máy điện Năng lượng mặt trời áp mái có công suất 1,06 MW, vốn đầu tư 2 triệu USD lớn nhất cả nước lúc bấy giờ.
Từ khi đưa vào vận hành, mỗi năm, công trình điểm đã tiết kiệm cho Công ty I.D.I (thành viên của Sao Mai Group) hàng tỷ đồng chi phí tiền điện.
“Nếu các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư theo mô hình điện mặt trời mà Sao Mai Group đã làm cho IDI, thì tiết kiệm được tiền tỷ cho doanh nghiệp và góp phần giải quyết bài toán năng lượng đáng kể cho quốc gia”, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ.
Ứng dụng thành công điện mặt trời vào sản xuất, Sao Mai đã sải bước tiên phong “khai mở” kho báu năng lượng sạch. Tập đoàn này đã phất cờ cho một cuộc trỗi dậy khá mạnh mẽ của các doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng pin trong những năm về sau.
Sao Mai Solar PV1 hoàn thành 100% giai đoạn 1
Các khảo sát cho thấy, An Giang có trên 2.400 giờ nắng và Long An có trên 2.600 giờ nắng, đây là các địa phương có bức xạ nhiệt rất tốt. Và việc Sao Mai chọn 2 nơi này đầu tư nhà máy điện mặt trời là một sự tính toán hợp lý.
Nếu như Nhà máy Sao Mai Solar PV1 nằm ở vùng bán sơn địa (dưới chân Núi Cấm), thì Sao Mai Solar PV2 lại tọa lạc trên vùng đất phèn xã Mỹ Thạnh Bắc, Đức Huệ, Long An.
Tất cả đều là những khu vực sản xuất nông nghiệp hết sức nghèo nàn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Sao Mai xây dựng những thành phố điện mặt trời trên vùng cằn cỗi cũng được xem là hướng đi rất thông thái.
Dưới tầng pin năng lượng mặt trời sẽ được kết hợp với sản xuất nông nghiệp sạch để trở thành mô hình du lịch hết sức độc đáo, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Không ít dự án điện mặt trời bị trễ tiến độ, các công trình lưới điện phục vụ đấu nối, đồng bộ nguồn điện chỉ có thể hoàn thành sau vài năm thì 2 dự án Sao Mai Solar lại “cán đích” sớm hơn kế hoạch. Chỉ hơn 4 tháng dốc toàn lực xúc tiến, hàng ngàn tấn thiết bị có công nghệ hiện đại, với khối lượng công việc khổng lồ đã được thực hiện một cách chuyên nghiệp và khoa học. 2 thành phố điện xanh đã xuất hiện mang đến diện mạo chứa đựng sức sống mới ở các miền xa.
Sao Mai Solar PV2 (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) sẵn sàng cho ngày khánh thành
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn cho biết, tất cả các công trình điện mặt trời của Sao Mai đều có tốc độ “nhanh như chớp” từ khâu tạo quỹ đất cho đến lộ trình triển khai lắp đặt.
Xét về nhiều phương diện thì thành quả ấy đến từ tầm nhìn hoạch định chiến lược đầu tư rất bài bản thể hiện nội lực của Tập đoàn. Vĩ mô hơn, thì phải kể đến sự chuyển mình “đột phá” của Đảng bộ - chính quyền An Giang trong 2/3 nhiệm kỳ qua. Lắng nghe để sẻ chia.
Đối thoại để hành động là những “tiêu điểm” nổi bật của tập thể lãnh đạo tỉnh đã làm trọn vẹn với nhà đầu tư mà không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Quyết tâm đổi mới và sáng tạo thực hiện chuỗi các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng là câu chuyện của địa phương An Giang trong lộ trình hội nhập để phát triển.
Về phía Sao Mai, bên cạnh cung cấp nguồn điện chủ lực cho EVN thì việc “xuất khẩu” điện sang Campuchia là một câu chuyện kinh doanh không hề khó. “Cỗ máy in tiền” từ điện mặt trời của Tập đoàn đang dần hòa nhập với lộ trình năng lượng tái tạo của thế giới.
Dự báo nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 10%/năm, Việt Nam cần bổ sung khoảng 3.500-4.000 MW công suất nguồn điện mới mỗi năm, thì Tập đoàn sẽ đóng góp đáng kể cho quỹ này để mang lại nguồn thu dồi dào cho Tập đoàn, tăng thu ngân sách cho địa phương. Sao Mai Solar sẽ lại là điểm sáng về điện mặt trời của đất nước trong tương lai.