Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng đầu tiên của năm 2024 đạt kết quả khá tốt. Đây có phải là bước khởi đầu thuận lợi cho những tháng tiếp theo không, thưa ông?
Tính cả tháng 1/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 4 tháng liên tục (so với cùng kỳ), cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng.
Cụ thể, sau nhiều tháng giảm, tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,7%; tháng 11 tăng gần 7%; tháng 12 tăng hơn 13% so với cùng kỳ và tháng 1/2024 tăng trên 4%. Nhập khẩu cũng có diễn biến tương tự, nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh hơn (tháng 1/2024 tăng 6,8%). Qua đó cho thấy, doanh nghiệp đã nhập khẩu nhiều hơn, tạo đà để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt tối thiểu 6% (theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ).
Điều đáng lưu ý nữa là, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước có tín hiệu phục hồi rất mạnh mẽ, cao hơn so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 12,7%, sau khi đã tăng liên tiếp gần 18%; 15,4% và 18,5% trong 3 tháng trước đó.
Ông có thể phân tích kỹ hơn về những tín hiệu khả quan trong hoạt động ngoại thương năm nay?
Trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2023, chỉ có 6,2% (khoảng 20,18 tỷ USD) là nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng, còn 93,8% là hàng tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nguyên, nhiên, vật liệu).
Tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nhập khẩu tư liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu còn cao hơn, chiếm đến trên 94% tổng kim ngạch nhập khẩu, cho dù tháng 1/2024 là tháng cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa (bia rượu, bánh kẹo, hoa quả, quần áo...) của người dân, đặc biệt là người dân đô thị, tăng mạnh nhất trong năm.
Ở chiều ngược lại thì sao, thưa ông?
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự thay đổi tích cực, nhóm hàng tài nguyên, khoáng sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Năm 2023, Việt Nam chỉ thu về 4,61 tỷ USD từ xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, chiếm 1,3% kim ngạch xuất khẩu. Thay vào đó, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 88,3%).
Xuất khẩu nông sản cũng là điểm sáng trong năm 2023 và dự báo tiếp tục duy trì “phong độ” trong năm 2024. Hai nhóm hàng này chiếm tới 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, hạt tiêu... không chỉ trụ vững, khẳng định vị thế, mà còn mở rộng thị trường.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cả về lượng lẫn về giá, song lợi thế này không dễ duy trì, vì gạo Việt hiện có khá nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới...
Khác với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo khác, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới có lúc tăng, lúc giảm, phụ thuộc vào thu nhập của người dân, tăng trưởng kinh tế, lạm phát của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường chủ lực. Nhưng riêng với hàng nông sản, đặc biệt là gạo, nhu cầu tiêu dùng chỉ có tăng, và sẽ tăng trong rất nhiều năm nữa, do tăng dân số cơ học và gần như chưa có loại ngũ cốc nào có thể thay thế cho hạt gạo.
Việt Nam là dân tộc có truyền thống trồng lúa nước hàng ngàn năm, có điều kiện thổ nhưỡng, thiên nhiên thích hợp với cây lúa, cộng với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên đã khẳng định được vị thế trên thị trường xuất khẩu gạo.
Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt đạt 8,34 triệu tấn, trị giá 4,8 tỷ USD, tăng tương ứng 17,7% và 39,4% so với năm 2022. Đây là con số ấn tượng, đánh dấu cột mốc mới trong xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Kết quả này đạt được một phần nhờ nhiều nước xuất khẩu gạo, đặc biệt là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu; những nước nhập khẩu gạo lớn phải nhập khẩu nhiều hơn do bị mất mùa vì thời tiết cực đoan.
Khi các nước phục hồi hoạt động sản xuất lúa gạo trở lại, thì Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn, song xuất khẩu gạo vẫn có nhiều cơ hội, vì nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới vẫn tăng, đặc biệt là cung tăng yếu hơn cầu.
Theo ông, cần phải có giải pháp gì để giữ vững “mặt trận” xuất khẩu gạo?
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu năm nay chỉ đạt gần 518 triệu tấn, thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo so với nhu cầu. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo, đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước, theo tôi, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tạo điều kiện để mở rộng quy mô tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất lương thực theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền; gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặc dù nhu cầu thế giới tăng, nhưng hạt gạo vào được các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ... vẫn phải đòi hỏi sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc…
Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo cũ; phát triển các thị trường mới, tiềm năng...