Xuất nhập khẩu dịch vụ quý I/2023 cải thiện một bước

0:00 / 0:00
0:00
Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thường nhập siêu lớn về dịch vụ, nhưng quý I năm nay, xuất nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam đã có sự cải thiện.
Xuất nhập khẩu dịch vụ quý I/2023 cải thiện một bước

Nhập siêu dịch vụ giảm mạnh

Nhập siêu dịch vụ trong quý I năm nay đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (216 triệu USD so với 4.304 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (4% so với 267,5%). Đó là sự cải thiện, bởi Việt Nam nhập siêu dịch vụ lớn và liên tục trong nhiều năm qua (năm 2010 là 2.461 triệu USD, năm 2015 là 4.183 triệu USD, năm 2020 là 10.461 triệu USD, năm 2021 là 15.395 triệu USD, năm 2022 là 12.624 triệu USD).

Sự cải thiện còn được thể hiện ở những khoản xuất nhập khẩu dịch vụ cụ thể. Một số khoản đã chuyển từ nhập siêu trong cùng kỳ năm trước sang xuất siêu trong quý I năm nay. Dịch vụ du lịch đã chuyển từ nhập siêu lớn (1.102 triệu USD) sang xuất siêu khá (1.450 triệu USD). Dịch vụ bưu chính - viễn thông đã chuyển từ nhập siêu (3 triệu USD) sang xuất siêu (5 triệu USD).

Một số khoản nhập siêu trong quý này thấp hơn cùng kỳ năm trước, như dịch vụ vận tải (840 triệu USD so với 2.319 triệu USD), dịch vụ bảo hiểm (120 triệu USD so với 154 triệu USD), dịch vụ chính phủ (3 triệu USD so với 7 triệu USD), dịch vụ khác (680 triệu USD so với 691 triệu USD). Chỉ có dịch vụ tài chính giữ nguyên mức nhập siêu 28 triệu USD.

Sự cải thiện cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ trong quý I/2023 là tín hiệu khả quan để cả năm 2023 không bị nhập siêu lớn như năm trước.

Có được sự cải thiện cán cân xuất nhập khẩu trong quý I/2023 là nhờ nhiều yếu tố.

Yếu tố tổng quát là xuất khẩu tăng cao, đạt quy mô lớn, trong khi nhập khẩu giảm. Xuất khẩu đạt 5,442 triệu USD, cao gấp gần 3-4 lần, hay tăng 3.834 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đó là tốc độ tăng và mức tăng hiếm thấy so với cùng kỳ nhiều năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 5.659 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 4,3%, hay giảm 254 triệu USD.

Xét cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng do 2 khoản lớn có mức tăng khá.

Khoản lớn nhất là dịch vụ du lịch đạt 2.700 triệu USD (chiếm 49,6% tổng số), cao gấp 27,6 lần, hay tăng 2.602 triệu USD, chiếm 67,9% tổng mức tăng của xuất khẩu dịch vụ. Dịch vụ du lịch tăng lớn, chủ yếu do lượng khách quốc tế đến Việt Nam so với cùng kỳ cao gấp gần 29,7 lần, hay tăng gần 2,61 triệu lượt người. Tăng ở tất cả các châu lục và hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 nơi đạt trên 100.000 lượt khách (Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia). Mức chi tiêu bình quân của 1 lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1.000 USD, gần bằng với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, sau 3 năm dịch vụ này bị nhập siêu, thì quý I năm nay đã xuất siêu lớn.

Khoản lớn thứ hai là dịch vụ vận tải (chiếm 47,9% tổng số), lớn gấp trên 2,6 lần cùng kỳ, hay tăng 1.159 triệu USD, chiếm 30% tổng mức tăng.

Cải thiện bước đầu

Sự cải thiện cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là kết quả tích cực, đáng khích lệ, nhưng không thể chủ quan thỏa mãn, bởi sự cải thiện này mới chỉ là bước đầu vì một số lẽ.

Tỷ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ còn nhỏ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 84.613 triệu USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 79.170 triệu USD, xuất khẩu dịch vụ đạt 5.443 triệu USD. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ mới đạt 6,4%. Tuy cao hơn nhiều tỷ trọng tương ứng của cùng kỳ (1,8%), nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ trọng tương ứng của nhiều năm trước đại dịch (năm 2005 là 11,6%, năm 2010 là 9,4%, năm 2015 là 7,2%, năm 2016 là 7,6%, năm 2017 là 6,5%, năm 2018 là 6,9%, năm 2019 là 7,2%).

Tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ/GDP dịch vụ cũng còn thấp. GDP dịch vụ tính bằng VND là 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43,65% tổng GDP. Tốc độ tăng giá bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước là 3,45%, tính ra GDP dịch vụ tính bằng USD quý I đạt 41,7 tỷ USD. Theo đó, tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ/GDP dịch vụ đạt 13%, tuy cao hơn các tỷ lệ tương ứng 3 năm trước (năm 2020 là 6,8%, năm 2021 là 3,5%, năm 2022 là 7,6%), nhưng vẫn thấp hơn 2 năm trước đại dịch (năm 2018 là 13,8%, năm 2019 là 14,4%), thấp hơn đỉnh cao nhất trong năm 2016 (15,4%).

Một số khoản trong xuất, nhập khẩu dịch vụ vẫn còn hạn chế

Dịch vụ vận tải nhập lớn hơn xuất tới 840 triệu USD, lớn hơn nhiều so với tổng nhập siêu dịch vụ, bởi phí vận tải hàng hóa nhập khẩu rất lớn (1.736 triệu USD), chứng tỏ đội tàu viễn dương của Việt Nam còn yếu, chậm phát triển.

Dịch vụ khác nhập khẩu lớn (1.380 triệu USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ), trong khi xuất khẩu chỉ đạt 700 triệu USD (chiếm 12,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ), nên nhập siêu lên tới 680 triệu USD, lớn gấp 3 lần tổng nhập siêu dịch vụ.

Để cải thiện hơn nữa một cách bền vững, cần rà soát các yếu tố trên để có giải pháp quyết liệt, đồng bộ khắc phục.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục