Lượng hàng xuất ra nước ngoài qua đường biển, giá trị tính bằng đồng USD, đã giảm 8,3% so với đầu năm, cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với ước tính giảm 1,5% mà các chuyên gia kinh tế đã đưa ra trước đó, và trái ngược với việc xuất khẩu đã tăng 2,8% trong tháng 6.
Cùng với nhu cầu đầu tư, tiêu thụ tại nội địa yếu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm dần đang đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng năm 2015 ở mức 7% của Trung Quốc.
“Xuất khẩu đã không còn là động lực tăng trưởng của Trung Quốc, cho dù Chính phủ nỗ lực thế nào, thật khó để có được mức xuất khẩu tăng mạnh như trong quá khứ. Điều này tạo thêm áp lực giảm phát, đồng thời đòi hỏi Chính phủ phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn tại thị trường nội địa”, chuyên gia kinh tế Liu Xuezhi tại Bank of Communication cho biết.
Trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 2,5% so với cùng thời gian năm ngoái, trong khi xuất sang Nhật Bản giảm 10,5%. Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu sang Mỹ tăng 9,3% so với năm 2014.
Bên cạnh xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh trong tháng 7, chủ yếu bởi xu hướng tụt dốc của giá cả các loại hàng hóa. Trong tháng 7, nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 8,1%, so với mức giảm 6,6% trong tháng 6; đưa thặng dư thương mại về mức 43 tỷ USD.
Việc xuất khẩu giảm mạnh có thể khiến giới chức Trung Quốc xem xét tới việc điều chỉnh tỷ giá để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của nước này, Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Intelligence cho biết.
Tuy nhiên, theo Liu Li-Gang, chuyên gia kinh tế khu vực Đại lục của Australia & Zealand Banking Group Lts cho rằng, việc hạ giá đồng nhân dân tệ không hẳn là lựa chọn bởi chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực đưa đồng nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chính quyền Bắc Kinh có lẽ sẽ lựa chọn việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ và giảm thuế.