Xuất nhập khẩu cả năm 2021 sẽ vượt 600 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Xuất nhập khẩu của cả nước dù chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố, nhưng Bộ Công Thương dự báo xuất nhập khẩu cả năm 2021 sẽ vượt 600 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2021 sẽ vượt mốc 300 tỷ USD, tăng mạnh so với 282,6 tỷ USD của năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong năm 2021 sẽ vượt mốc 300 tỷ USD, tăng mạnh so với 282,6 tỷ USD của năm 2020.

Xuất nhập khẩu sớm vượt 600 tỷ USD

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù đợt dịch covid-19 lần thứ 4 kéo dài trong nhiều tháng tại các tỉnh thành phía Nam đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nhưng nhờ tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm nên tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng vẫn tăng 2 con số.

Cụ thể, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 537,31 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước) và nhập khẩu đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dù hết tháng 10, Việt Nam vẫn còn nhập siêu 1,45 tỷ USD, song nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu đã và đang tăng tốc mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm khi hoạt động sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt, cán cân thương mại hằng tháng đang giảm dần nhập siêu.

"Tại thời điểm này, có thể dự báo, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ vượt 600 tỷ USD, và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ", Bộ Công Thương dự báo.

Hiện, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử được các Hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn

Những phương án chủ động nguyên liệu cho sản xuất đã và đang được các doanh nghiệp thực thi khá linh hoạt với mục tiêu không để sản xuất đứt gãy, đẩy nhanh tốc độ sản xuất, trả đơn hàng cho nhà nhập khẩu, bởi hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập khẩu vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi logistics tăng cao, thiếu tàu vận chuyển hàng hóa từ các thị trường về Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp nông lâm thủy sản là gia tăng độ đáp ứng các tiêu chuẩn mới từ các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về "Biên pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" mà Trung Quốc mới ban hành. Những quy định này có hiệu lực từ ngày cuối tháng 11/2021 và đầu năm 2022, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh cho rằng, Trung Quốc là thị trường 1,4 tỷ dân, rất hấp dẫn với nhiều nhà xuất khẩu, với riêng nông thủy sản Việt Nam còn hấp dẫn hơn, bởi vị trí địa lý thuận lợi cho vận chuyển hàng. Để giữ thị trường này, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi để đáp ứng theo các quy định mới.

Khai thác hiệu quả 14 FTA

Kết quả xuất khẩu vẫn tăng trưởng 16,6% trong 10 tháng qua cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang tận dụng khá hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hưởng ưu đãi thuế quan.

"Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận xét.

Đơn cử, sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA, tác động từ những hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, đặc biệt với thị trường mà nước ta chưa từng có FTA. Chẳng hạn, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm nhờ CPTPP.

Với thị trường EU, xuất khẩu cũng ghi nhận tốc độ tăng khá, và đây là hiệp định thương mại được các doanh nghiệp tận dụng nhanh nhạy, hiệu quả nhất. Nhờ đó, 10 tháng qua, xuất khẩu sang EU đã 31,7 tỷ USD, tăng 8,9% và chiếm tỷ trọng 11,83% xuất khẩu của cả nước.

Ý nghĩa hơn cả là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến xấp xỉ 20%, là tỷ lệ rất đáng kể, theo Bộ Công Thương. Ngoài ra, các FTA với ASEAN, Hàn Quốc cũng đang được ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ...tận dụng, nên tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 21,2%, Hàn Quốc ước đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%; Nhật Bản đạt mức tăng thấp nhất 2,2%, đạt 16,09 tỷ USD.

Tại cuộc họp giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với 10 hiệp hội ngành hàng hôm 11/11, nhiều đề xuất từ các ngành hàng nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong trạng thái bình thường mới đã được đưa ra.

Một số hướng dẫn về thích ứng với dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chưa cụ thể, gây ra một số khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp khi áp dụng, đặc biệt là quy trình xử lý khi có ca F0 tại các cơ sở sản xuất; quy trình cách ly, phòng dịch đối với các đối tượng chưa được tiêm vaccine.

Đồng thời, các hiệp hội cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định (không quá 400 giờ/năm) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng.

Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện 10 hiệp hội cho rằng, Chính phủ cần bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp như các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín dụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động….

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục