Xuất khẩu vào ASEAN đạt hơn 20 tỷ USD sau 11 tháng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tổng cục Hải Quan cho biết, trong 11 tháng năm 2020 xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng thị trường ASEAN đạt hơn 20 tỷ USD, giảm nhẹ 9,4%.

Xuất khẩu vào ASEAN đạt hơn 20 tỷ USD sau 11 tháng

ASEAN đã trở thành khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, sau các thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu vào thị trường ASEAN đạt 25,2 tỷ USD, tăng 1,5%, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia.

Tính chung tất cả các thị trường, trong 11 tháng tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,88 tỷ USD, tăng 3,6% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5%, tương ứng tăng 13,23 tỷ USD và nhập khẩu đạt 234,91 tỷ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 3,93 tỷ USD.

Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường này gồm sắt thép các loại, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, dệt may, nông sản, thủy sản...

Theo Bộ Công thương, ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý, mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Khu vực này có tổng dân số 636 triệu người, GDP đạt 2.760 tỷ USD. Do vậy, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều hàng hóa trong nước còn rất lớn.

Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN những năm gần đây tập trung chủ yếu vào sản phẩm nông sản, thủy sản và khoáng sản. Những mặt hàng này hầu hết được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN hiện là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản. Do được hưởng những ưu đãi từ AFTA và các hiệp định liên quan, một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản như tôm, cá ngừ, cá tra… đang tăng cả về sản lượng và giá trị.

Còn với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ASEAN là thị trường có nhiều cơ hội tăng trưởng cho nhóm hàng dệt may, khi các dòng thuế tiếp tục được cắt giảm nhờ các FTA và lợi thế về khoảng cách địa lý, độ tương đồng về văn hóa.

Hiện nay, khi xuất khẩu sang Mỹ và thị trường châu Âu gặp khó khăn thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể giúp củng cố mạng sản xuất gắn với các nước ASEAN và các đối tác. Hiện này có 6/10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là các thành viên RCEP. Cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm động lực để cải thiện liên kết với nhau.

Quy mô lớn từ các công đoạn trong chuỗi giá trị RCEP sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới chiến lược kinh doanh, gắn với hiểu biết sâu sắc hơn về cạnh tranh trong môi trường kinh doanh rất “châu Á”. Đó không chỉ liên quan tới cạnh tranh về giá và chất lượng, mà còn ở những khía cạnh khác như đúng thời điểm, lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thiết lập được kênh phân phối phù hợp, uy tín của doanh nghiệp... Cần lưu ý, những nội dung cam kết về thương mại điện tử của RCEP có thể tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số hậu Covid-19.

Ngay cả trước RCEP, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tìm hiểu, cân nhắc yêu cầu và khả năng tận dụng một loạt hiệp định thương mại tự do khác với mức độ ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ khác nhau. Dù chưa có nội dung toàn văn, có thể tin rằng, RCEP sẽ bổ sung lựa chọn cho doanh nghiệp. Điều này cũng nhất quán với tư duy và cách tiếp cận cải cách của Việt Nam trong nhiều năm qua, đó là hướng tới tạo dựng thêm không gian kinh tế và lựa chọn cho doanh nghiệp.

Đánh giá về ý nghĩa của FTA này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục