Kỷ lục mới
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,3%, đạt 405,53 tỷ USD; nhập khẩu tăng 16,7%, đạt 380,76 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, thị trường truyền thống, đồng thời tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký để đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam năm vừa qua ghi nhận ước đạt 119,7 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2023. Xuất khẩu sang EU tăng 18,3%, ước đạt 51,6 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6%; xuất khẩu sang khu vực ASEAN tăng 13,6%...
Về các nhóm ngành, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta năm 2024 đã vượt mốc 10 tỷ USD, đây là thành công của toàn ngành.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cũng đã lấy lại quỹ đạo tăng trưởng với kim ngạch đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm trước đó và vượt mục tiêu đề ra. Ngành gỗ đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
Xuất khẩu dệt may cũng tăng trưởng 11,2%, đạt 44 tỷ USD và là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, điện tử, máy tính và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm, với trên 72,5 tỷ USD, tăng 26,6%. Tiếp đến là điện thoại và linh kiện đạt gần 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt gần 52,2 tỷ USD, tăng 21%.
Nối dài đà tăng trưởng
Bước sang năm 2025, một điểm đáng lưu ý là chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan lên tới 60% với hàng hóa Trung Quốc và từ 10 - 20% với các nước khác.
Trước khi chính sách mới được ban hành, các nhà nhập khẩu tại thị trường Mỹ đã tăng cường đơn hàng từ các nước, trong đó có Việt Nam. Đây là cú huých giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ những tháng đầu năm 2025.
Dự báo về năm 2025, Công ty Chứng khoán MBS cho biết, xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng 9 - 10% nhờ thương mại toàn cầu sôi động và các hiệp định khu vực. Trong khi đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2025 xuất khẩu tăng trưởng 12%, tức hướng tới mốc 451 tỷ USD.
Một số yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu năm 2025 là nhu cầu thế giới với hàng hoá của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, cùng số lượng 20 FTA Việt Nam đã tham gia sẽ mở rộng dư địa tăng trưởng cho xuất khẩu.
Với ngành dệt may, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tín hiệu tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025 khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện.
Với ngành thuỷ sản, ông Phạm Quang Toản, Phó cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030, cũng như thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành thuỷ sản đang đi theo xu hướng phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu “chuyển đổi từ tư duy sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản” và “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”.
Việc xuất khẩu tiếp đà khởi sắc được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực, giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt tốc trong năm 2025.