Xuất khẩu thủy sản tháng 6 tăng 4%, Vasep đưa ra hai kịch bản trong nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tăng hơn 20% trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 vẫn cao hơn cùng kỳ nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ còn 4%, đạt 876 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản tháng 6 tăng 4%, Vasep đưa ra hai kịch bản trong nửa cuối năm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, nguyên nhân là sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 – thời điểm Mỹ áp dụng thuế đối ứng mới. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao.

Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tháng 6, tăng từ 15% đến gần 28%. Trong khi đó, xuất khẩu sang EU chững lại, giảm nhẹ 1%; còn khu vực Trung Đông giảm mạnh 16% do ảnh hưởng của xung đột. Trong đó, xuất khẩu sang Israel – thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ hộp giảm tới hơn 50%.

Nguồn: Vasep
Nguồn: Vasep

Về sản phẩm, cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6 với mức giảm hơn 31% so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ – thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%.

Hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra cũng tăng trưởng chậm lại do bị ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%).

Theo Vasep, triển vọng nửa cuối năm 2025 đối với hai ngành hàng chủ lực này phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Đặc biệt, tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ 01/02/2023 đến 31/01/2024.

Theo thông báo, DOC xác định Công ty Thông Thuận (bao gồm cả Thông Thuận Cam Ranh) không bán phá giá, với biên độ phá giá là 0%. Trong khi đó, CTCP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) bị áp mức thuế sơ bộ lên tới 35,29%. Mức thuế này cũng được áp cho 22 doanh nghiệp khác thuộc nhóm đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng biệt nhưng không bị kiểm tra bắt buộc, thay vì áp dụng mức thuế trung bình gia quyền từ hai bị đơn bắt buộc như thông lệ.

Dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực ngay và có thể được điều chỉnh trong kết quả cuối cùng (dự kiến công bố vào tháng 12/2025), nhưng thông tin này đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý nhà nhập khẩu Mỹ. Đồng thời, ảnh hưởng đến kế hoạch mua hàng, đơn hàng xuất khẩu và đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động của người nuôi tôm tại Việt Nam.

Còn ngành cá tra có phần lạc quan hơn khi DOC công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá.

Từ đó, Vasep đưa ra hai kịch bản dự báo ngành thuỷ sản trong nửa cuối năm nay.

Kịch bản 1: Thuế đối ứng của Mỹ sau 9/7 là 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể giảm còn khoảng 9,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ Mỹ.

Kịch bản 2: Thuế đối ứng trên 10%, có thể đến 46%, xuất khẩu thuỷ sản có nguy cơ giảm sâu chỉ còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Mỹ sẽ không còn là thị trường ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp.

“Trong kịch bản xấu nhất, cạnh tranh từ các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ trở nên gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN, nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh”, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Vasep lo ngại.

Hồng Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục