Tính chung, xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm quý đạt hơn 690 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu cá tra tính chung quý I đạt gần 424 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ.
Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - Hồng Kông là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng 15%.
Tại Mỹ, xuất khẩu tôm sang thị trường trong quý I tăng 15%; cá ngừ, cá tra và cua ghẹ cũng tăng mạnh từ 13 - 53%. Xét về giá, giá tôm chân trắng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua. Giá trung bình cá tra xuất khẩu thì đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm (tính tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg).
Ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm hùm và cua bứt phá mạnh mẽ trong quý I/2024, cụ thể tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam được chú ý (xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc trong quý I tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ).
Nhu cầu tôm, cua không chỉ tăng ở Trung Quốc và Mỹ, mà xuất khẩu 2 loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%. Đồng thời, cá tra Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng tại Nhật khi xuất khẩu cá tra tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá saba…
Dù thị trường EU và Hàn Quốc chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: EU tăng 27%, Hàn Quốc tăng 15%... Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực cũng khá tích cực như Mỹ tăng 30% và Nhật Bản tăng 9%...
Với mực và bạch tuộc, xuất khẩu hai mặt hàng này sang Hàn Quốc vẫn tăng 16%, nhưng xuất khẩu sang các thị trường chính khác lại giảm (Mỹ giảm 3%, Nhật Bản giảm 21%...).
Vasep đánh giá, trong quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep, kỳ vọng sau các Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên.
Có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động. Tuy nhiên, những vấn đề mà ngành tôm Ấn Độ đang phải đối mặt như lao động, môi trường, kháng sinh cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, cũng như các quy định trong nước để tránh những rào cản và động thái bảo hộ của thị trường.
Vasep dẫn thông tin từ Dự án Đại dương ngoài vòng pháp luật (OOP) rằng, Choice Canning, một nhà đóng gói và kinh doanh tôm Ấn Độ, đang là tâm điểm của hàng loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ, không đảm bảo an toàn vệ sinh và ngược đãi công nhân.
Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Corporate Accountability Lab (CAL) của Mỹ cũng nói về vấn nạn lao động nô lệ, lao động trẻ em, cùng nhiều hình thức bóc lột khác, gây tổn hại môi trường đang tràn lan trong ngành tôm trị giá hàng tỷ USD của Ấn Độ.
Trong khi đó, đầu năm 2024, tôm Ecuador cũng bị soi tại thị trường Trung Quốc sau khi một blogger được coi là chuyên gia chống hàng giả, đã vạch trần tôm Ecuador được bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.
Vasep nhận định, có thể đây là những cơ hội cho tôm Việt Nam khi mà tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ thế giới đang rất quan tâm và ngày càng giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến lao động, lạm dụng trẻ em trong ngành thủy sản.