Xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ: Cửa hẹp, sẽ còn hẹp hơn

(ĐTCK) Được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ, song trong năm qua, nhóm hàng nông-thủy sản và thực phẩm vẫn tăng trưởng âm do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại. 

Thời gian tới, dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của quốc gia này được thông qua hoàn toàn.

Theo thống kê của Registrar Corp, đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký số FDA (FDA – Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), Việt Nam hiện đang là đối tượng của 31 cảnh báo nhập khẩu tại Mỹ.

Có 3 lỗi thường xuyên khiến DN bị cảnh báo nhập khẩu, đó là ghi nhãn hải sản sai, không tuân thủ theo HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) dành cho hải sản và sản phẩm thực phẩm có nhiễm Salmonella. Trong đó, các DN Việt thường hay mắc lỗi sản phẩm thực phẩm có nhiễm Salmonella.   

Từ 15/4, FSIS sẽ kiểm tra các lô hàng cá tra, cá ba sa

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu cá tra, Tổng cục Thủy sản cho hay, bên cạnh việc áp dụng thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ, từ tháng 3/2016, các DN xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ phải chịu thêm một hàng rào kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Cụ thể, từ tháng 3/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã áp dụng quy định mới đối với nhà cung cấp sản phẩm cá tra, trong đó yêu cầu thanh tra, kiểm tra tại trang trại và xưởng chế biến của nhà cung cấp trong và ngoài nước Mỹ. Việc kiểm tra sẽ tiến hành thực hiện tối thiểu hàng quý trong suốt 18 tháng thử nghiệm.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, Cơ quan Kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố 45 cơ sở Việt Nam nằm trong danh sách được phép chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa sang thị trường nước này.

Theo thông báo của FSIS, tại các buổi làm việc với các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, FSIS sẽ chính thức kiểm tra các lô hàng cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ từ ngày 15/4/2016.

Tháng 5: mỹ thêm quy định tạp chất có chủ đích

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, thực trạng trên là hệ quả của việc DN Việt chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi xuất khẩu, cũng như quy trình, thủ tục vào thị trường Hoa Kỳ.

Khó khăn sẽ tiếp tục gia tăng khi FDA vừa thông qua nhiều quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA). Theo đó, đã có 5 trong 7 quy định đã được thông qua hồi năm ngoái, liên quan đến chế biến, bảo quản thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu và sản xuất trang trại. 2 quy định còn lại dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Liên quan đến đạo luật mới này, tại một hội thảo được tổ chức mới đây, ông David Lennarz, cựu chuyên gia kỹ thuật FDA, Phó giám đốc Registrar Corp cho biết, những quy định của FSMA sẽ bổ sung thêm cho Luật Chống khủng bố sinh học của Mỹ năm 2002. Vì vậy, FSMA sẽ đặt gánh nặng lên vai các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất nước ngoài.

Những vấn đề đáng chú ý của FSMA bao gồm: các quy định kiểm soát dự phòng (PC) và kế hoạch an toàn thực phẩm, quy định về an toàn sản xuất, vệ sinh trong vận chuyển và quy định tạp chất có chủ đích.

Đối với quy định kiểm soát dự phòng và kế hoạch an toàn thực phẩm, đối tượng tuân thủ là các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm dành cho người. Thời gian tuân thủ sẽ được kéo dài đến năm 2018 dành cho các DN rất nhỏ với doanh thu mỗi năm dưới 1 triệu USD và kéo dài đến năm 2017 với các DN nhỏ có ít hơn 500 nhân viên làm việc toàn thời gian.

Với quy định về an toàn sản xuất, các cơ sở nông nghiệp trong và ngoài nước Mỹ phải đảm bảo những hoạt động của họ theo các tiêu chuẩn của FDA, đặc biệt là với nguồn nước nông nghiệp, việc cải tạo đất sinh học có nguồn gốc động vật (phân bón), huấn luyện người lao động, sức khỏe người lao động và vệ sinh…

Về quy định vệ sinh trong vận chuyển, FDA mới thông qua quy định này từ cuối tháng 3/2016. Theo đó, những người liên quan đến việc vận chuyển thực phẩm cho người và động vật, từ khâu giao hàng, bốc dỡ, vận chuyển và nhận hàng, đều phải tuân thủ các quy tắc về vệ sinh như làm lạnh thực phẩm, vệ sinh xe bốc hàng và bảo quản thực phẩm đúng cách trong quá trình vận chuyển.

Trong khi đó, quy định tạp chất có chủ đích dự kiến ban hành vào ngày 31/5/2016. Quy định này yêu cầu các cơ sở thực phẩm phải phát triển kế hoạch phòng vệ thực phẩm bằng văn bản, xác định các khả năng làm tạp chất có chủ đích, tạo nên các chiến lược giảm thiểu. Về phạm vi áp dụng, quy định này sẽ ngoại lệ đối với các DN có doanh thu dưới 10 triệu USD. 

Giải pháp?

“Chưa tính đến các quy định trong Luật Chống khủng bố sinh học của Mỹ năm 2002, việc tiếp cận, hiểu rõ và áp dụng 7 nội dung tại FSMA đã là một thách thức lớn đối với các DN xuất khẩu thực phẩm Việt Nam”, ông David Lennarz nói và cho hay, chỉ riêng nội dung tóm tắt của FSMA đang được đăng tải trên trang web chính thức của FDA đã lên tới 600-700 trang.

Vì vậy, rất khó để có thể xây dựng một bộ hướng dẫn tóm tắt cho các quy trình và thủ tục xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ giống như các ngành hàng khác, bởi yêu cầu đối với thực phẩm không chỉ dừng lại ở khâu đóng gói, ghi nhãn… mà còn rất khắt khe ngay từ bước đầu tiên của quy trình sản xuất như nuôi trồng con giống.

Hiện tại, các DN Việt đang xuất hàng thực phẩm sang Mỹ có CTCP Vĩnh Hoàn, CTCP Hùng Vương, CTCP Thủy sản Việt Phú, Công ty TNHH Biển Đông...                                      

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục