Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19 nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, mọi ngành nghề đều có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục mới. Các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước
Từ thực tế xuất khẩu 4 tháng qua, dự báo, các ngành hàng chủ lực vài chục tỷ USD như hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhất là điện thoại di động, là trung tâm sản xuất chính của Samsung sẽ là cơ sở cho sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam
Ngành sản xuất điện thoại di động cũng đang mở rộng nhanh chuỗi cung ứng, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị, thay vì chỉ lắp ráp điện thoại di động như trước đây. 4 tháng, xuất khẩu điện thoại, linh kiện đạt 21,075 tỷ USD, tăng 15,9%, trong khi điện tử, máy tính, linh kiện tăng 13,8%, trị giá 18,04 tỷ USD.
Một ngành xuất khẩu trên 40 tỷ USD là dệt may, vốn cần nhiều lao động, cũng đang có xu hướng khởi sắc. Trong năm 2022, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 21,6 so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu xơ sợi tăng 13,2%, đạt 1,9 tỷ USD.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất tới hết quý 3/2022.
"Cả mảng sợi và may đều tăng trưởng cao trong quý 1/2022 so với cùng kỳ là vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, trong khi các đơn hàng đã được ký từ năm 2021. Với ngành Sợi, các đơn vị vẫn tận dụng tốt cơ hội từ thị trường, giá bông tốt vì có sự tích trữ từ năm 2021, đơn hàng ngành may đầy tải", Tổng giám đốc Vinatex, Cao Hữu Hiếu cho hay.
Thị trường ngành may được nhận định tương đối khả quan do các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn. Xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí.
Đồng thời, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.
Ngoài dệt may, các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam, vốn đóng góp gần 15 tỷ USD trong năm ngoái cũng thông báo đã nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang vận hành hết công suất cho tới quý III/2022. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới.
4 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó tín hiệu mừng là Mỹ vẫn tăng đặt hàng từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ riêng trong tháng 4/2022 đạt 895 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Chiếm tới 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng qua.
Dư địa đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn rất lớn tại thị trường này, nên cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu là rất khả quan. Hiện, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ...vốn đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Ngân hàng Standard Chartered đánh giá, ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế có kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam - quốc gia được coi là trung tâm sản xuất hàng điện tử, dệt may và da giày trong khu vực.
Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì năng lực sản xuất và sản lượng của các nhà máy, điều này sẽ thực sự sẽ góp phần hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các ngành như nông nghiệp, dệt may và tiêu dùng điện tử.