Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu
Dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ… của Việt Nam tiếp tục là những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đây là khẳng định của các chuyên gia Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hội thảo “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù có TPP hay không, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Cả hai bên đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ chế tương tác, kết nối doanh nghiệp hai nước với nhau, đặc biệt kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ.
“Chưa thể có dự đoán chính xác về động thái của chính quyền Hoa Kỳ đối với tương lai quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ, nhưng tôi hy vọng có hình thái mới của thoả thuận song phương và đa phương để thay thế TPP, thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Năm 2016, xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 29,7 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD năm 2001 lên trên 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 40 tỷ USD vào năm 2017.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam có khát khao gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt với những ngành hàng thế mạnh, một trong những sáng kiến được đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra tại Hội thảo đã nhấn mạnh đến tiềm năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với những đóng góp lớn cho xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam là đối tác thương mại xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 36 về nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt bình quân trên 25% mỗi năm. Cán cân thương mại của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn.
Năm 2016, xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 29,7 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD năm 2001 lên trên 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 40 tỷ USD vào năm 2017.
Hướng tới quan hệ thương mại bền vững
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là những ngành hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, là nội lực của nền kinh tế Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định của các doanh nghiệp Việt, cũng như tạo thế mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể chia hai nhóm chính: nhóm 1 là các mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng, bao gồm hàng may mặc, giày dép, túi xách, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hạt điều... Nhóm 2 là các mặt hàng hiện vẫn do khối doanh nghiệp FDI cung ứng, bao gồm máy tính và linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải…
Năm 2016, riêng sản phẩm nhóm 1, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã chiếm tới hơn 24 tỷ USD.
Dệt may là ngành hàng đứng đầu về đóng xuất khẩu trong nhóm 1. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: “Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 30 tỷ USD trong năm 2017, trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường trọng yếu, dự kiến sẽ vượt 12 tỷ USD”. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu dệt may sang thị trường này đạt 3,64 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Một mặt hàng nữa có xuất khẩu đạt tăng trưởng cao sang Hoa Kỳ là giày dép. Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2016, Việt Nam đã vượt Italia và Indonesia, trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 về giày dép vào Hoa Kỳ, với giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 4,48 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ. 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu giày dép sang Hoa Kỳ ước đạt 1,51 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản sang Hoa Kỳ như: tôm đông lạnh, filet cá tra, basa, cá ngừ chế biến, thịt cua chế biến, cà phê, hạt điều, hạt tiêu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù kim ngạch nhập khẩu nông sản, thủy sản của Hoa Kỳ lớn, song tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong vài năm tới có thể sẽ không cao.
Nguyên nhân chính do hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, basa đều đang phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bị hạn chế tiêu thụ ở một số bang. Cà phê, điều và tiêu khó có khả năng tăng đột biến về số lượng, chưa kể giá có thể giảm.
Theo ông Joseph Damond, Phó chủ tịch về đối ngoại của Biotechnology Innovation Org, Việt Nam tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu còn hạn chế, nên cần phải cải thiện nhanh những hạn chế này.
“Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ cao không phải là điều bền vững cho quan hệ thương mại lâu dài. Việt Nam cần chủ động phát triển thị trường nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Joseph Damond khuyến nghị.