Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chưa tăng trong ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ được dự báo khó thay đổi trong vài năm tới, nhưng sẽ tăng trong dài hạn.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chưa tăng trong ngắn hạn

Xuất khẩu chưa thay đổi trong ngắn hạn

Chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ vừa qua, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay: “Từ sau sự kiện lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ từ Đối tác toàn diện lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của doanh nghiệp hỏi về cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp Việt về cơ hội tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ”.

Với những cơ hội mang tính lịch sử, doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, kéo theo các công ty của nước thứ 3 đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, y tế, dầu khí, năng lượng..., tạo dư địa cho phát triển sau này. Chính vậy, “xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong ngắn hạn sẽ không tạo ra hiệu ứng đột biến, mà vẫn như vậy trong vòng 3-5 năm nữa, nhưng trong dài hạn sẽ tăng”, ông Dương nhận định.

Ở góc độ chuyên môn, ông Dương chia sẻ: “Doanh nghiệp muốn tìm cơ hội ngay trước mắt thì chưa có. Không có cái gọi là miễn thuế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, càng không có ý nghĩa về mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây Việt Nam hay sản phẩm đặc thù nào đó của Việt Nam, nhưng nó đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược dài hạn”.

Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng gần 300 lần, đạt 124 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam với khoảng 1.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11/43 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2022, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu gần 110 tỷ USD hàng hóa sang Hoa Kỳ, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thặng dư thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 94,9 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kỳ vọng, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện là nền tảng để thương mại song phương sớm đạt 200 tỷ USD/năm.

5-7 năm nữa, xuất khẩu mới quay lại “đỉnh” năm 2022

Nói thêm về thành tựu xuất khẩu, Phó vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương cho biết: “Chúng ta đang nói nhiều về con số xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2022, nhưng đến hôm nay thì đã lạc hậu. Năm 2022 là “đỉnh”, mà theo tôi nghĩ, phải mất 5-7 năm nữa, chúng ta mới có thể quay lại được”.

Năm ngoái, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và xuất siêu đứng thứ 3 sang thị trường này (sau Trung Quốc, Mexico), nhưng 9 tháng năm 2023, Việt Nam đứng thứ 10, khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm khoảng 17%, thậm chí có lĩnh vực giảm 35%.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 78,6 tỷ USD, giảm tới 14,8 tỷ USD so với con số 93,4 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố hôm 26/10, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận tăng trưởng 4,9% trong quý III/2023, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,1% của quý II/2023. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý IV/2021.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa ổn định. Dù đã có những tín hiệu sáng sủa hơn, nhưng tín hiệu hồi phục đơn đặt hàng chưa rõ ràng, một khi đơn hàng chưa ổn định, thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường 300 triệu dân này sẽ khó có triển vọng tăng tốc.

Hiện tại, các ngành sản xuất chủ chốt trong nước, đóng góp nhiều tỷ USD cho xuất khẩu như điện tử, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… vẫn thiếu đơn hàng và chưa thể hoạt động hết công suất. Trong đó, do Hoa Kỳ là thị trường lớn của nhiều ngành xuất khẩu, nên mức độ sụt giảm tại thị trường này có ảnh hưởng rất lớn.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đạt trên 730 tỷ USD vào cuối năm 2022. Thương mại 2 chiều với Hoa Kỳ đạt 139 tỷ USD năm 2022 (số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ). Sau khi 2 nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, chắc chắn cần một quá trình dài để các hoạt động đầu tư mới và đầu tư mở rộng có kết quả, từ đó tăng sản lượng hàng hóa của các nhà cung cấp Việt Nam sang thị trường này.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục