Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bật tăng

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xuất khẩu nông - thủy sản, nhất là rau quả sang Trung Quốc tấp nập trở lại từ đầu năm, báo hiệu một năm “bận rộn” với doanh nghiệp Việt và các mắt xích trong chuỗi sản xuất.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bật tăng

Xuất khẩu rau quả tăng trở lại

Ngay khi Trung Quốc thông báo mở cửa thị trường trở lại sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bật tăng từ tháng cuối năm 2022 và lập tức tác động đến kết quả xuất khẩu tháng 1/2023, giúp rau quả mang về 300 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng rau quả của Việt Nam. Cả năm 2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,527 tỷ USD, giảm 19,8% so với năm 2021. Cuối năm 2022, Trung Quốc dần nới lỏng chính sách phòng, chống dịch, nên tình hình khởi sắc hơn.

Đáng chú ý, trong những tháng cuối năm, sầu riêng, thanh long, chuối… đã xuất khẩu được sang Trung Quốc. Đặc biệt, chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Sự sôi động của hoạt động xuất khẩu rau quả thời gian này trái ngược hẳn với cùng kỳ năm trước, khi hàng ngàn xe hàng hóa tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Cao điểm cuối tháng 12/2021 và đầu năm 2022, có tới trên 6.000 xe hàng nằm chờ xuất khẩu.

Còn tại thời điểm này, thông tin từ các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho thấy, thông quan hàng hóa sang Trung Quốc được đẩy nhanh, tồn hàng rất ít, chỉ khoảng trăm xe cuối ngày.

Kỳ vọng cho năm 2023

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của rau quả Việt Nam, do đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong năm 2023.

Trên thực tế, việc nới lỏng các điều kiện phòng, chống dịch chỉ là một điều kiện để rau quả đẩy mạnh xuất khẩu, điều quan trọng hơn là năm 2022, một loạt trái cây có giá trị cao của Việt Nam đã được thị trường này đồng ý nhập chính ngạch, như sầu riêng, tổ yến…

Công tác mở cửa thị trường đối với các loại nông sản có giá trị cao của Việt Nam sẽ tạo đà để xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong những năm tới, hình thành các vùng sản xuất, kinh doanh trái cây chất lượng, ghi tên Việt Nam trên bản đồ các nhà xuất khẩu trái cây đi các thị trường lớn, tiêu chuẩn cao.

Điển hình là, chỉ 1 tháng sau khi sầu riêng được xuất chính ngạch sang Trung Quốc từ đầu tháng 9/2022, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã tăng bất ngờ. Tháng 10/2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết, hiện tại, sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thanh long, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD vào thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Với sầu riêng, sau khi được Trung Quốc nhập chính ngạch, dự báo, mặt hàng này cũng sớm cán mốc 1 tỷ USD.

Cùng đó, phía bạn cũng cấp thêm nhiều mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, hứa hẹn để giúp hoạt động sản xuất, đóng gói sầu riêng ngày càng đi vào quy củ, chuyên nghiệp để khai thác cơ hội thị trường có nhu cầu nhập trên 4 tỷ USD sầu riêng mỗi năm. Khi tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, bài bản, hàng hóa đạt chuẩn cao, thì có thể thỏa mãn nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường khó tính khác.

Đón bắt cơ hội từ mặt hàng xuất khẩu giá trị cao này, từ cuối năm 2022, Công ty cổ phần Vina T&T và Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông, Trung Quốc) tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc.

Mục tiêu của 2 bên là năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 4.500 container (90.000 tấn). Hai bên cùng đồng hành xây dựng vùng trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc, giá cả không “chốt” cứng, mà cam kết cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg ở cùng thời điểm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T cho biết, Tập đoàn Sunwah không chỉ mạnh về xuất nhập khẩu nông sản, mà còn có kênh phân phối bán lẻ tại Trung Quốc, là tiền đề để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại thị trường tỷ dân.

Đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.

Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả, khi thị trường Trung Quốc nới lỏng thủ tục kiểm dịch với hàng nhập khẩu.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục