Xuất khẩu rau quả rộng cửa vào thị trường Đông Bắc Á

0:00 / 0:00
0:00
Đông Bắc Á là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam, chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024.
Xuất khẩu rau quả rộng cửa vào thị trường Đông Bắc Á

Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

“Điều này cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định.

Đáng chú ý, trong cơ cấu xuất khẩu, các nước khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... chiếm tới 80% kim ngạch; 20% còn lại đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Đông.

Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, với GDP cao, sẵn sàng chi tiêu cho mặt hàng rau quả.

“Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu tiêu thụ rau quả cao, đã là khách hàng truyền thống của nhiều loại trái cây Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đông dân, có thu nhập cao, có nhu cầu lớn về nông sản, trái cây chất lượng”, ông Nguyên phân tích.

Được biết, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trên không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics và duy trì được chất lượng nông sản so với khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.

“Khi ký hiệp định thương mại tự do, vì đã giảm thuế nhập khẩu nên các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật. Đây là rào cản, đòi hỏi Việt Nam cần liên tục cập nhật quy định xuất khẩu của họ để kịp thời đáp ứng”, ông Nguyên phân tích.

Tại Trung Quốc, Việt Nam đang xuất khẩu 14 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, khoai lang, dừa, ngoài ra tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt. Cả hai nước đang tiến hành đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu quả có múi (bưởi), dược liệu và trái cây đông lạnh (sầu riêng).

Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long (trắng, đỏ), xoài, bưởi từ Việt Nam. Với Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long, xoài, nhãn vải và đang đàm phán để xuất khẩu trái bưởi.

Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết khi một mặt hàng được thị trường mới chấp nhận sẽ mở ra cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu và khẳng định vị thế cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức. Với một số mặt hàng, thời gian đàm phán, đánh giá rủi ro lên tới 3 -5 năm, thậm chí lâu hơn để ký được nghị định thư.

Do đó, khi đã mở được cửa, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra. Tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” khi một doanh nghiệp, một lô hàng vi phạm cả ngành hàng bị cảnh báo hoặc dừng xuất khẩu.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục