Rau quả tỷ đô
Rau quả Việt Nam được ví như “con thuyền lội ngược dòng” trong năm 2017 khi từng bước vượt qua khó khăn để cán đích, có mặt ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản... Dù điều kiện sản xuất gặp khó khăn, thường xuyên đối mặt với những trận bão lớn, mưa nhiều… nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn tìm ra được lối đi riêng, nỗ lực vượt khó. Thành quả trong năm được ghi nhận khi nhóm hàng này chính thức trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem về 3,5 tỷ USD và nằm trong Top tăng trưởng mạnh nhất. Năm 2017, xuất siêu rau quả đạt gần 2 tỷ USD.
Chưa khi nào nông sản Việt lên ngôi như năm 2017, bứt phá mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 40,2% so với năm 2016. Kết quả này góp phần khiến cục diện nhóm hàng xuất khẩu có ít nhiều thay đổi. Đây cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng rau quả vượt qua dầu thô và gạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Đây là một tín hiệu đáng mừng”.
Trong bức tranh xuất khẩu nhiều màu sáng của nông sản Việt, rau quả cũng ghi danh ở Top 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm trái cây, hạt điều, cà phê, đồ gỗ và tôm.
Giải mã kỳ tích của xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm qua khi đã đem lại giá trị thặng dư, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là một kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian dài. Những chiến thuật ngắn hạn và dài hạn, những bước đi thăm dò thị trường thận trọng, những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, cùng phương châm chữ tín được đặt lên hàng đầu… đã làm nên thành công cho xuất khẩu rau quả.
Đầu tư công nghệ, mở rộng xuất khẩu
Trong năm vừa qua, nhiều đơn hàng lớn xuất đi nước ngoài đã được chốt, những tín hiệu khả quan về xuất khẩu rau quả vẫn đang tiếp tục, khi mới đây, trái vú sữa tươi của Việt Nam đã được Mỹ đồng ý nhập khẩu. Xoài Việt cũng có mặt ở các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… Vải thiều Lục Ngạn chính thức ra khỏi biên giới Việt Nam đến với người tiêu dùng Thái Lan. Tính đến thời điểm này, rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, rau quả Việt có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó để khẳng định vị thế và nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh làm trái cây chế biến, giúp tăng giá trị của các sản phẩm lên 10 - 20 lần so với trái cây tươi.
Cùng chung quan điểm, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến, dây chuyền công nghệ hiện đại để nâng giá trị của sản phẩm rau quả xuất khẩu. Đơn cử, CTCP Lavifood đã chi 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến rau quả Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, với quy mô 15 ha. Đại diện Lavifood cho biết, Công ty sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế… Các sản phẩm này sẽ được Lavifood xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.
Khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, dự kiến mỗi ngày nhà máy sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu như xoài, chanh dây, dứa, thanh long… Được biết ,có nhiều dây chuyền quy mô lớn trong nhà máy của Lavifood như dây chuyền sấy dẻo, sấy khô cho sản lượng 5.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất sản phẩm đông lạnh cho sản lượng 20.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất trái cây cô đặc cho sản lượng 6.000 tấn/năm, dây chuyền sản xuất nước hoa quả cho 144 triệu lon/năm…
Lavifood là công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu rau, củ, quả ,trái cây (tươi và đông lạnh) tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Công ty từng tạo dấu ấn khi bắt tay với một doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng xuất khẩu xoài sang thị trường này với giá trị 1 triệu USD vào năm 2016.
Theo lãnh đạo của Lavifood, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho nhà máy, Công ty đã liên kết với nhiều hộ nông dân Tây Ninh hình thành chuỗi giá trị rau quả, vùng nguyên liệu. Toàn bộ sản phẩm nông dân làm ra sẽ được nhà máy bao tiêu.
Theo Zion Research, công ty chuyên đánh giá, dự báo thị trường nông sản thế giới, thị trường rau quả chế biến toàn cầu đang có mức tăng trưởng khoảng 8%/năm và có thể đạt quy mô 319,9 tỷ USD vào năm 2020. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn.
Nếu các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu khó tính, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào thì kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam có thể lên tới 5 tỷ USD/năm trong những năm tới.
Đại diện CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản… đang mở cửa nhiều hơn với các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn hơn nếu đẩy mạnh khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế như: Anuga (Đức), Sial (Pháp), Moscow (Nga), Foodex (Nhập Bản)… để gặp gỡ khách hàng toàn cầu, đồng thời nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từng khu vực. Đây cũng là giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Nâng giá trị rau quả Việt
Một buổi chiều cuối năm, cô chủ của thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến chia sẻ, có những khách hàng nước ngoài đến cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm của Cam Vinh Kỳ Yến đã rất ấn tượng với món mứt vỏ cam của cửa hàng và mong muốn gặp bằng được người làm ra sản phẩm ấy. Khi đó, Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc CTCP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ, chủ của thương hiệu kể trên và là người sáng tạo ra sản phẩm mứt vỏ cam mang thương hiệu Melony đang ở xa 300 cây số vội trở về Hà Nội để tiếp vị khách đặc biệt của đảo quốc sư tử.
Lê Na đã đi theo hướng đúng khi đẩy mạnh giá trị cho Cam Vinh bằng cách tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cô sáng tạo, chế biến các loại mứt từ vỏ cam, múi cam, tinh dầu cam… theo quy trình và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, sản phẩm của CTCP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ đã để lại dấu ấn riêng cho người tiêu dùng. Trong dịp “đem chuông đi đánh xứ người” mới đây, khi tiếp thị tại thị trường Nga, khách hàng tại đây và doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác đã bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về sản phẩm mứt vỏ cam và tinh dầu cam của Cam Vinh Kỳ Yến.
Trong khi đó, vài năm trở lại đây, Công ty Chế biến nông sản Shin Sang áp dụng công nghệ Nhật Bản, giúp nâng cao giá trị của quả hồng Đà Lạt. Sản phẩm hồng sấy gió của Công ty luôn trong tình trạng cầu vượt cung, mặc dù giá bán cao hơn 40 - 50% so với sản phẩm hồng sấy thông thường.
Nâng cao giá trị cho hàng Việt trên thị trường quốc tế là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp. Mới đây nhất, trong cuộc họp tổng kết năm 2017 của Bộ Công thương, Thủ tướng đã nêu rõ, nếu cứ mãi theo cách làm truyền thống thì sản phẩm Việt khó cạnh tranh trên trường quốc tế. Cần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam bằng các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm động lực mới cùng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
Bản thân các doanh nghiệp cũng đã có những cách làm mới và chuyển hướng tích cực trong việc nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình. Chẳng hạn, CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) đã đầu tư khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam với quy mô hơn 100 ha và tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Bà Trần Kim Liên, Tổng giám đốc NSC cho biết, khu sản xuất với hệ thống 100% nhà kính điều khiển hoàn toàn tự động đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ được ứng dụng theo công nghệ Isarel và Nhật Bản nhằm phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm có thế mạnh như rau quả nông sản cao cấp.
Nơi đây sẽ trở thành đơn vị sản xuất dưa lưới lớn nhất miền Bắc phục vụ nội tiêu và xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ với quy mô doanh thu trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Dưa lưới được sản xuất từ khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của NSC có mặt trên thị trường vào giữa năm 2017 và thực sự đắt hàng, nhiều khi cung không đủ cầu. Công ty đang tập trung phát triển mặt hàng này trong năm 2018 và đích xa hơn nữa là hướng tới xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước.
Xem xét đưa rau quả trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là vấn đề được các đại biểu Quốc hội nhiều lần đề cập và đây cũng là một đòn bẩy giúp các địa phương xóa đói giảm nghèo khi biết tận dụng lợi thế phát triển mạnh rau quả chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nếu chúng ta biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn vẫn thành công trong tái cơ cấu nền nông nghiệp. Rau quả nằm trong nhóm 10 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và sẽ được đẩy mạnh nâng giá trị trong thời gian tới.
Chưa bao giờ nông nghiệp được quan tâm nhiều như năm vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, riêng trong năm 2017, gần 2.000 doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp. Ngành hàng rau quả còn rất nhiều dư địa trên thị trường thế giới, nếu gỡ được hai nút thắt quan trọng là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và mở rộng thị trường, xuất khẩu rau quả sẽ còn những bước tiến xa.