Xuất khẩu rau quả chế biến tăng trưởng khả quan

0:00 / 0:00
0:00
Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu, tỷ trọng của sản phẩm chế biến đang có xu hướng tăng khá nhanh, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu.
Xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD Ảnh: Đức Thanh Xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD Ảnh: Đức Thanh

Rau quả chế biến lần đầu vượt 1 tỷ USD

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2022, xuất khẩu toàn ngành rau quả dù chịu ảnh hưởng nặng bởi chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021, nhưng cơ cấu rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực với tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng đáng kể.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD. Như vậy, năm 2022, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả chế biến vượt 1 tỷ USD, tạo cú hích để hoạt động đầu tư nhà máy chế biến và vùng trồng được quy hoạch bài bản, đạt chuẩn để sớm hướng tới mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD.

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Trong các sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu, dẫn đầu là chanh leo với kim ngạch xuất khẩu đạt 135 triệu USD trong năm qua, tăng 78% so với năm 2021; dừa 122 triệu USD, tăng 4,5%; hạt dẻ cười 90 triệu USD, tăng gần 28%; dứa 53 triệu USD; trái cây chế biến 100 triệu USD…

Trong khi phần lớn rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, thì nhóm sản phẩm rau quả chế biến lại đang tăng trưởng nhanh ở những thị trường xa, đặc biệt là EU và Mỹ.

Tốc độ tăng trưởng của rau quả chế biến Việt Nam được cải thiện trong những năm gần đây cho thấy, các sản phẩm của Việt Nam đang dần đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư nhà máy chế biến rau quả.

Sẽ có thêm nhiều nhà máy chế biến

Cả nước mới có 153 cơ sở chế biến rau - củ - quả, trong khi phải giải quyết hơn 30 triệu tấn sản phẩm rau - củ - quả/năm. Do đó, cần tăng cường đầu tư nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu đạt chuẩn, khép kín thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đón bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đầu tư chế biến sâu giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam, nhưng đây cũng là khâu yếu của ngành nông nghiệp. Vì thiếu vắng nhà máy chế biến tầm cỡ giúp giải quyết đầu ra cho nông sản, nên trong vụ thu hoạch, không ít sản phẩm không tiêu thụ kịp, nông dân phải đổ bỏ như thanh long, dưa hấu, cà rốt…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 30 triệu tấn rau, quả, nhưng chỉ hơn 20% trong số này được chế biến.

Tín hiệu tích cực là những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, đảm bảo sản phẩm chế biến đáp ứng được các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ, EU. Hiệu quả của hoạt động đầu tư là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả chế biến đã tăng liên tục và vượt hơn 1 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Dự kiến, ngay trong quý I/2023, Nhà máy Doveco Sơn La, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ được đưa vào vận hành, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu so với mức hơn 2.400 tỷ đồng đạt được trong năm 2022.

Nhà máy Doveco Sơn La là nhà máy thứ 3 của doanh nghiệp này, bên cạnh 2 trung tâm chế biến rau quả đặt tại Ninh Bình và Gia Lai. Doveco đã xây dựng được mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh xuất khẩu rau quả, nhờ đó, ngay cả khi thị trường khó khăn nhất bởi đại dịch, doanh nghiệp vẫn xuất hàng đều đặn, có tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Chiến lược của Doveco là đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh có điều kiện phù hợp với cây ăn quả như Sơn La, Gia Lai, Ninh Bình và một số tỉnh Tây Nguyên để hướng tới chuỗi giá trị bền vững, với hy vọng đạt tốc độ tăng trưởng 15 - 20%/năm tại các vùng nguyên liệu này.

Tuy nhiên, đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, công nghệ tiên tiến cũng phải kết hợp với nhiều yếu tố khác. Nếu Doveco có kinh nghiệm xây dựng các nhà máy gắn với vùng nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo đủ đầu vào cho chế biến, thì không hiếm nhà máy xây xong chỉ đáp ứng 60% công suất, do nhà máy không đặt gần vùng nguyên liệu, hoặc nguyên liệu có, nhưng không đạt chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, kích cỡ rau củ quả thiếu đồng nhất…).

Tại một sự kiện về nâng chất lượng cho nông sản xuất khẩu thông qua chế biến sâu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group cho hay, nguyên liệu nhiều thì nhà máy chế biến rất mừng, nhưng chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản còn lớn, thành thử hàng hóa sau chế biến chỉ có thể xuất sang các thị trường dễ tính, với giá cả phải chăng. “Những tồn tại này cần sớm được gỡ bỏ để hướng đến ngành sản xuất, xuất khẩu chuyên nghiệp hơn, mang lại giá trị thực chất hơn”, ông Hùng đề nghị.

Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái cây tươi sang thị trường gần như Trung Quốc. Xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia còn hạn chế do khâu bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu, còn nếu vận chuyển đường hàng không thì chi phí quá cao, khó cạnh tranh.

Chính vậy, doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung đầu tư hơn nữa vào phân khúc sản phẩm chế biến.

Cả nước mới có 153 cơ sở chế biến rau - củ - quả, trong khi phải giải quyết hơn 30 triệu tấn sản phẩm rau - củ - quả/năm. Do đó, cần tăng cường đầu tư nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu đạt chuẩn, khép kín thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đón bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường thế giới.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục