Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đạt 23 tỷ USD, nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh

Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7/2019 ước đạt 3,55 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% cùng kỳ năm 2018.
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm

Đáng lưu ý, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ  năm ngoái với mức giảm 8,2%. Các mặt hàng giảm nhiều là: Gạo, thủy sản, sắn lát, rau quả, hạt tiêu, hạt điều…  

Cụ thể, khối lượng  gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,01 triệu tấn và 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất với 33,7% thị phần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 7 tháng đạt 515 triệu USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng 38,6% về giá trị song thị trường Trung Quốc (chiếm tới 88% tỷ trọng xuất khẩu) lại giảm do phải cạnh tranh với Lào, Campuchia và do Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

Tương tự, xuất khẩu rau quả 7 tháng cũng chỉ đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm năm 2018, thị trường lớn nhất là Trung Quốc, chiếm gần 72%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Hạt tiêu xuất khẩu 7 tháng  đạt 514 triệu USD, tăng 32,5% về khối lượng nhưng giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018 do giá tiêu giảm tới 25,5%.

Hạt điều xuất khẩu 7 tháng tuy tăng về lượng nhưng giá trị cũng giảm tới 10%, chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Tương tự, cao su cũng tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch, chỉ đạt 1,08 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.  

Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng giảm nhẹ so với năm ngoái (giảm 1%), đứng ở mức 4,7 tỷ USD.

Như vậy, rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sụt có kim ngạch giảm so với năm ngoái chủ yếu là do giá xuất khẩu bình quân giảm, gặp khó ở thị trường Trung Quốc, chưa mở rộng được thị trường xuất khẩu…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực, chè có nửa đầu năm kinh doanh khởi sắc khi khối lượng giảm nhưng giá trị lại tăng  20% với cùng kỳ, do giá xuất khẩu tăng. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, mặc dù lượng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này các tháng đầu năm 2019 giảm đến 41,3% nhưng giá trị lại tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước.  

Tuy vậy, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ mới là điểm sáng xuất khẩu của ngành. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 5,66 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018.  Trong đó, Trung Quốc thị trường lớn nhất của Việt Nam với 20,5% thị phần.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, nhằm giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm xác định các rủi ro về gian lận thương mại.

Ngoài ra, quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện.

Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục