Tăng vèo từ 100 tỷ USD (năm 2012) lên 150 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 đã hoàn thành xuất sắc mọi mục tiêu đề ra. Năm 2014 cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu với con số lên tới 2 tỷ USD, cao hơn cả con số xuất siêu hai năm trước cộng lại.
Trong số 23 mặt hàng xuất khẩu lọt vào câu lạc bộ tỷ USD có những cái tên rất đáng chú ý. Theo đó, điện thoại và linh kiện vẫn tiếp tục dẫn đầu với 24 tỷ USD. Dệt may lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 2. Xuất khẩu rau quả dù chỉ đạt gần 1,5 tỷ USD nhưng mang về tới gần 1 tỷ USD xuất siêu và tăng vượt mọi dự đoán trước đó. Lĩnh vực nông lâm thủy sản đóng góp tới 9 mặt hàng bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, thủy sản, lâm sản, trong đó có những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tới 30%.
Dẫu vậy xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô, nông lâm thủy sản. Xuất khẩu sản phẩm chế biến vẫn chủ yếu dừng ở gia công. Ngay cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng có giá trị gia tăng thấp (điện thoại khoảng 5%, dệt may 30%...). Việc xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào số ít thị trường (Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ) dễ dẫn tới rủi ro.
Cơ hội vàng đang mở ra cho xuất khẩu trong năm 2015 khi 8 FTA đã ký kết bước vào giai đoạn giảm thuế sâu. 5 FTA khác hoặc đã kết thúc đàm phán như FTA với Hàn Quốc và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, hoặc đang được khẩn trương đàm phán với khả năng kết thúc trong năm 2015 như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Nguyễn Công Bảy, Giám đốc chất lượng Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho hay, Hải Vương đang đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng chuẩn bị thời cơ FTA Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.
Dẫu Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các FTA sắp được ký kết đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép… của Việt Na. Nhưng doanh nghiệp tận dụng cơ hội này ra sao thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Khảo sát của báo The Economist năm 2014 cho thấy, tỷ lệ trung bình sử dụng các ưu đãi từ FTA của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 37%.
Ông Lê Quốc Phương Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại khuyến cáo, thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia các FTA có chất lượng cao như TPP, FTA với EU. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội này vẫn mang tính thời sự.
Không chỉ tuột mất cơ hội mở rộng thị trường, một khi rào cản thuế bị xóa bỏ hoặc giảm sâu, doanh nghiệp còn có nguy cơ mất cả sân nhà. Hiện tại, rất nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước như quần áo, giày dép, sản phẩm gia dụng và cả các sản phẩm rau quả, thịt…đang chịu sự cạnh tranh rất nặng nề từ hàng nhập khẩu.
Bước vào năm 2015, Việt Nam gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu của tất cả các mặt hàng nông sản đều bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận, năm 2015, thị trường xuất khẩu nông sản sẽ có nhiều cơ hội hơn nhưng kết quả còn tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp để hiện thực hóa các cơ hội. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ gặp những sức ép nhất định tới một số sản phẩm trong nước, nhất là sản phẩm chăn nuôi. Cũng cảnh báo về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, FTA không phải là cây đũa thần. Muốn tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp trước hết phải nâng cao năng lực, sức khỏe của mình. Đồng thời, Chính phủ phải có giải pháp phát triển mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến.