Khối FDI tiếp tục giữ phong độ
Sau chặng đường năm 2023 liên tục sụt giảm, dấu hiệu khả quan hơn về đơn hàng xuất khẩu đã trở lại từ cuối năm và hồi phục rõ hơn từ đầu năm 2024, giúp các ngành chủ lực khẩn trương sản xuất, trả đơn hàng cho đối tác. Nhờ đó, 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng thêm 17,8 tỷ USD.
Trụ cột xuất khẩu là khu vực FDI tiếp tục thể hiện “phong độ” khi đóng góp tới 43,2 tỷ USD doanh thu, tăng 14,7%, chiếm 72,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 2 tháng đầu năm, 11 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD đều đạt mức tăng trưởng dương. Các nhóm hàng có giá trị lớn như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị, dệt may… còn có mức tăng mạnh từ 4,1 - 33,9% so với cùng kỳ. Đây cũng chính là những mặt hàng mà khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao.
Chẳng hạn, xuất khẩu điện tử, máy tính của khu vực FDI mang về 9,54 tỷ USD (chiếm gần 99% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam), điện thoại và linh kiện 9,58 tỷ USD (chiếm 99%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 6,8 tỷ USD (chiếm 89%); hàng dệt may đạt 5,23 tỷ USD (chiếm 60%); giày dép đạt 3,27 tỷ USD (chiếm 75%).
Xuất khẩu các nhóm hàng điện tử, dệt may, giày dép… tăng ngay từ các tháng đầu năm đã tạo cú hích để hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng trở lại. Nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất trong 2 tháng đã tăng 18% so với cùng kỳ (tương ứng tăng thêm 8,32 tỷ USD), đạt 54,62 tỷ USD.
Các mặt hàng có mức tăng nhập khẩu cao là điện tử, máy tính và linh kiện (gần 15,6 tỷ USD, tăng 24,4%); máy móc, thiết bị, phụ tùng (gần 7 tỷ USD); vải (1,97 tỷ USD, tăng 15,4%); sắt thép (1,95 tỷ USD, tăng 62,7%); điện thoại và linh kiện (1,55 tỷ USD, tăng 17,7%); sản phẩm chất dẻo (1,34 tỷ USD, tăng 32,1%)...
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD. Điều đó cho thấy mức độ phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước và vai trò của khu vực FDI đối với hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế.
Kỳ vọng vào những thị trường lớn
Sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng 2/2024, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp.
Sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng 2/2024, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp, dù mức tăng chỉ là nhỏ. Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2024 được S&P Global công bố hôm 1/3 chỉ ra rằng, đơn hàng tăng ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản.
Kinh tế toàn cầu vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đã nhích lên nhưng còn chậm, cho thấy đàm phán để có đơn hàng với các nhà xuất khẩu trong nước không phải là điều dễ dàng. Tuy vậy, với 16 hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết và thực thi, các ngành sản xuất trong nước vẫn được các nhà mua hàng toàn cầu lựa chọn đặt hàng.
Minh chứng là, các nhà mua hàng Mỹ đã nhập khẩu từ Việt Nam 17,4 tỷ USD hàng hóa trong 2 tháng qua, tăng 33,7%; xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng nói là, phần lớn các nhóm hàng Mỹ đặt hàng nhiều nhất do khối doanh nghiệp FDI thực hiện, dẫn đầu là máy tính, điện thoại sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, dệt may, giày dép…
Nếu được khai thác tốt, thị trường Mỹ sẽ giúp mang về kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD trong năm 2025. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ lưu ý, các rào cản thương mại được dựng lên nhiều hơn tại Mỹ (tăng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống trợ cấp…) để bảo vệ sản xuất trong nước.
“Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương cần nắm bắt thông tin, những biến động về chính trị, chính sách của Mỹ có ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời”, ông Hưng nói.
Khu vực thị trường EU cũng dành sự quan tâm lớn đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, với 7,7 tỷ USD nhập khẩu trong 2 tháng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Đà tăng còn tiếp tục bởi nhiều yếu tố, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ bước sang năm thứ 5 có hiệu lực vào tháng 8 năm nay.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Julien Guerrier đánh giá, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong những năm tới nhờ sự hỗ trợ của EVFTA. Với FTA này, thuế quan được cắt giảm, tạo sự khác biệt lớn giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa từ các nước cạnh tranh xuất khẩu vào EU.
Thực tế cho thấy, trước khi thực thi EVFTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của Việt Nam sang EU chỉ là 5-7% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam là 3-5%. Nhưng từ khi thực thi EVFTA, trao đổi thương mại 2 chiều tăng trưởng mạnh mẽ hai con số.