1 đơn vị, 3 lần mâu thuẫn số liệu
Về mâu thuẫn số liệu thống kê, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, chỉ riêng số lượng gạo tồn tại cảng giữa Bộ Công thương, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã không có sự đồng nhất.
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, VFA cung cấp 3 lần số liệu đều không giống nhau.
“Hôm thì 144.000 tấn, hôm thì dưới 300.000 tấn, hôm qua lại báo là 173.000 tấn tồn tại cảng. Bây giờ chúng tôi phải dựa vào số liệu nào”, ông Mai Xuân Thành cho biết.
Ngoài ra, theo số liệu cập nhật mới nhất vào sáng 22/04 của VFA thì lượng gạo đang chờ xuất khẩu và đóng tại kho doanh nghiệp sẵn sàng xuất là 146.000 tấn. Trong khi đó, theo thống kê của Hải quan chỉ có 49.024 tấn.
Ngay sáng nay, Bộ Công thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Hải quan thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ.
Nếu xác định được lượng gạo nào khai khống sẽ bị thu hồi để phân bổ lại trong tổng hạn ngạch xuất khẩu tháng 04/2020, ưu tiên giải quyết cho các lô hàng đóng tại cảng trước ngày 24/03.
Quan điểm khác nhau giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương
Đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, VFA đều đồng tình quan điểm đề xuất Chính phủ giao sản lượng lúa gạo dự trữ cho từng địa phương.
Mỗi địa phương phân bổ lại cho doanh nghiệp cũng như chịu trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp không đảm bảo yêu cầu.
Dù vậy, vẫn có doanh nghiệp đặt ngược vấn đề.
“Mỗi địa phương nhận trách nhiệm vài trăm nghìn tấn nhưng khi Chính phủ cần, liệu chắc chắn có không?”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bày tỏ quan điểm cũng như nhấn mạnh về sự khó lường của đại dịch COVID-19.
Một mặt, ông Bình đồng tình mối lo ngại trong vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo an sinh xã hội của quốc gia.
Mặt khác, đại diện Trung An đề xuất Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho thông quan lượng gạo tồn tại cảng, cũng như kiến nghị không áp hạn ngạch xuất khẩu từ tháng 05, tránh xảy ra tiêu cực.
Không phủ nhận an ninh lương thực quốc gia là vấn đề quan trọng nhưng ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinh Phát cho rằng, các Bộ ngành cần tính toán cân đối lượng hàng.
Để “thuận cả đôi đường”, ông Trung kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo và tăng mức dự trữ lưu thông tối thiểu từ 5% lên 10-15% theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Chính phủ và Bộ Công thương có thể kiểm tra đột xuất bất kỳ doanh nghiệp nào về lượng dự trữ này.
Vì sao "đã sẵn sàng xuất khẩu bình thường"?
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo tham dự cuộc họp giữa Bộ, ngành với 22 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo do Bộ Công thương chủ trì được tổ chức sáng nay tại Tp.HCM đều đề nghị cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường (như thời điểm trước 24/03).
Nhưng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh vẫn chưa hài lòng về việc, không ai lý giải vì sao đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
“Mà muốn nói được lý do vì sao thì phải quay lại các lý do đã khiến chúng ta đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng 03/2020, liệu còn đúng ở hiện tại hay không?”, Thứ trưởng Quốc Khánh nói và đưa ra 3 câu hỏi cần xác định câu trả lời.
Thứ nhất, thời điểm ngày 26/03, VFA báo cáo lượng tồn kho của doanh nghiệp xuất khẩu gạo hội viên là 1,5 triệu tấn gạo. Khi đó, còn 3 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch vụ Hè thu và nguy cơ ảnh hưởng an ninh lương thực là hiện hữu. Còn hiện nay, lượng gạo tồn kho của 70 thương nhân xuất khẩu báo cáo với VFA còn đến 1,98 triệu tấn và 1,5 tháng nữa đến lúc thu hoạch vụ Hè thu.
Thứ hai, sau một tháng giới nghiêm, hiện Ấn Độ chuẩn bị dỡ bỏ quyết định này và gạo Ấn Độ chuẩn bị xuất khẩu đến các thị trường thì giá gạo sẽ giảm ra sao?
Thứ ba, tâm lý người dân cuối tháng 04 hiện nay so với thời điểm cuối tháng 03/2020 (số ca nhiễm COVID-19 tăng dần-PV) thay đổi ra sao. Họ còn lo lắng, tâm lý tích trữ không?
“Tôi muốn lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, đơn vị về những lý do đưa đến quyết định khó khăn hồi cuối tháng 03 liệu còn đúng ở thời điểm hiện tại hay không để báo cáo Chính phủ. Chúng ta đang bàn phương án để trình Chính phủ chứ Chính phủ chưa quyết định tháng 5 sẽ giao hạn ngạch đâu mà bàn cơ chế phân bổ”, ông Trần Quốc Khánh nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh:
Việc hạn chế xuất khẩu gạo trong tháng 04 đã và đang gây ra vấn đề cho doanh nghiệp.
Có những điều đã được dự báo như tổn thất, thiệt hại về chi phí và cũng có những điều không dự báo được như việc đăng ký tờ khai hải quan thế nào, tình huống trục trặc mất tờ khai trên hệ thống.
Các tỉnh sản xuất lúa gạo trọng điểm ĐBSCL đều khẳng định lại một lần nữa là vụ Đông Xuân khu vực được mùa và sản lượng lớn và vụ Đông Xuân phía Bắc đang thu hoạch, chưa xảy ra vấn đề lo ngại cho đến lúc này.
Riêng Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định hiện, các thương nhân được quyền kinh doanh xuất khẩu gạo thành viên có khoảng 1,9 triệu tấn gạo trong kho.
Số hợp đồng ký kết giao đến cuối tháng 05/2020 là 1,3 triệu tấn và 1,7 đến cuối năm 2020. Hiệp hội thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng khi không ký hợp đồng mới.
Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến trên để báo cáo Chính phủ, trên tinh thần có sự thay đổi sản lượng, thời gian thu hoạch Hè thu, tâm lý người dân, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Trước mắt đề nghị Bộ ngành cần ưu tiên giải toả lượng nếp, ưu tiên xuất lô hàng đưa về cảng trước 24/03, và lưu ý trường hợp đã khai mà mất tờ khai hải quan.
Chiều 22/04 và ngày 23/03 anh Chinh, Phó Trưởng đoàn (ông Phan Văn Chinh, Cục Trưởng cục Xuất nhập khẩu-PV) tiếp tục làm việc với các Cảng để nắm lượng tồn tại các cảng.
Vì không chỉ cảng Cát Lái mà còn ở kho chứa cảng cạn khác, vừa phục vụ dài hạn trong cơ chế điều hành xuất khẩu, vừa để thiết lập cơ chế phân bổ chỉ tiêu 100.000 tấn công khai minh bạch.